Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, vàng thế giới đã có thời điểm tăng lên khoảng 2.050 USD/ounce vào thứ Năm khi số liệu chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về lập trường thích ứng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đây cũng là mức cao nhất của giá vàng trong gần một tháng qua.
Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/2, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không tính chi phí thực phẩm và năng lượng (PCEPI lõi) tháng 1 đã tăng 0,4% so với tháng liền trước và 2,8% so với một năm trước.
Các số liệu công bố đều phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones. PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ. PCEPI toàn phần (bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng 0,3% so với tháng 12 và 2,4% so với cùng kỳ. Cả hai cũng tương ứng với dự báo của các nhà kinh tế.
Cùng với mức tăng trưởng GDP quý 4 của Hoa Kỳ được điều chỉnh giảm, số liệu này đã thúc đẩy thị trường bảo toàn đặt cược vào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 6, từ đó làm tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng.
Sau khi số liệu PCE được công bố, giới đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed hạ lãi suất điều hành tại cuộc họp tháng 6 tới. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch kỳ vọng khả năng Fed giữ nguyên lãi suất chỉ khoảng 34,5%; thấp hơn mức 36,8% hôm qua. Giới đầu tư đang kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 3 và tháng 5 nhưng nghiêng về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Cuộc họp báo công bố quyết định lãi suất định kỳ của Fed gần nhất sẽ tổ chức vào ngày 20/3 tới đây. Trong tuần này, các bài phát biểu của một số thành viên Fed cũng đang được theo dõi chặt chẽ.
Đà tăng của vàng thế giới cũng thúc đẩy giá vàng trong nước. Trong ngày cuối tháng 2 vừa qua, giá vàng miếng SJC có thời điểm chạm mốc 80 triệu đồng/lượng nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên. Đầu giờ sáng nay, vàng trong nước đồng loạt phục hồi. Trong đó, giá vàng nhẫn tăng mạnh hơn vàng miếng SJC, qua đó tiếp tục xác lập kỷ lục mới.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC đang được giao dịch ở mức 77,6 - 79,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tiếp tục tăng 100 nghìn đồng ở chiều mua và bán so với cuối phiên trước.
Diễn biến giá vàng miếng SJC trong một tháng trở lại đây. Nguồn: Giavang |
Tại các hãng vàng khác, giá vàng miếng bán ra cũng phổ biến ở mức 79,55-79,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán tiếp tục duy trì 2 triệu đồng/lượng, dù vẫn cao nhưng đã hạ nhiệt đáng kể so với quãng thời gian sau Tết. Cá biệt, chênh lệch thấp hơn tại một số hãng vàng đang thu mua với giá cao hơn mặt bằng chung như Phú Quý (77,7 triệu đồng/lượng), Bảo Tín Minh Châu (77,65 triệu đồng/lượng). Với giá mua trên, nhà đầu tư mua vàng miếng SJC tại mức giá thấp nhất trong ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) đã có lãi nhẹ.
Vàng nhẫn, vàng trang sức tiếp tục nối dài chuỗi tăng giá. Vàng nhẫn 9999 tại SJC yết giá mua ở mức 64,25 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra 65,45 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với hôm qua. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn giao dịch ở mức 65,48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,48 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ giá trung tâm ở mức 24.002VND/USD trong ngày đầu tháng 3. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.802 VND/USD, tỷ giá trần là 25.202 VND/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá USD tăng 20 VND/USD mỗi chiều, giao dịch ở mức 24.450 VND/USD và 24.820 VND/USD. Giá USD trên thị trường tự do chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Khảo sát tại một số cửa hàng, USD được thu mua với giá 25.360 đồng trong khi giá bán ra vượt trên 25.400 đồng.