Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng còn cơ hội tăng giá
Vân Linh - 22/06/2022 09:57
Biến động quanh mốc 1.850 USD/ounce từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm 0,75% lãi suất cơ bản USD, giá vàng được nhận định còn cơ hội tăng, dù Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lạm phát được xem là “cơn gió xuôi thổi giá vàng”. Ảnh: Đức Thanh

Áp lực lạm phát

Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 3 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 1,5% - là mức tăng lãi suất USD mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 nhằm hạ nhiệt lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ cuối năm 1981 trở lại đây. Tháng 4 năm nay, Chỉ số  tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng 4,9% so với cùng kỳ, ở vùng cao nhất gần 40 năm qua.

Số liệu core PCE tháng 5 sẽ được công bố vào ngày 30/6. Core PCE không bao gồm giá lương thực và năng lượng, nên tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số này thấp hơn so với lạm phát CPI toàn phần. Trước cuộc họp thường kỳ tháng 6/2022 của Fed, một số chuyên gia cho rằng, Fed có thể đặt ra mục tiêu lạm phát mới là 3% hoặc 4%, thay vì mức 2% như trước đây.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho rằng, các quyết định sẽ được đưa ra tùy theo tình hình của nền kinh tế và Fed tiếp tục truyền tải định hướng của mình trong việc thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát một cách rõ ràng nhất. Tuy nhiên, do lạm phát tăng cao, nên khả năng, Fed sẽ tục thắt chặt thêm chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát.

Lạm phát được xem là “cơn gió xuôi thổi giá vàng”. Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, áp lực lạm phát và sự bất định về kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng. Điều này cũng tác động tích cực lên giá mặt hàng kim quý vàng trong năm 2022.

Theo ông Andrew Naylor, giá vàng thế giới có xu hướng đi lên trong nửa đầu năm 2022 khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kinh tế bất định đẩy lạm phát lên cao, căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine và còn triển vọng tăng trong thời gian tới. Dù Fed thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát tăng cao, song giá vàng vẫn vượt qua rào cản này để đi lên trong thời gian qua, bởi vàng luôn là “hầm” trú ẩn an toàn của nhà đầu tư.

Giá vàng còn tăng?

Lộ trình tăng lãi suất USD được Fed đưa ra từ nay đến cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 cũng được xem là một trong những rào cản đối với đà tăng nhanh của giá vàng. Tuy nhiên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, để kiểm soát được lạm phát không phải một sớm một chiều.

Chúng tôi thấy có số liệu về bán ròng, có nghĩa khi giá càng cao thì nhiều người mang đi bán để lấy VND. Chúng tôi chưa tổ chức thực hiện nhập khẩu vàng để can thiệp, nhưng đã xây dựng phương án, trong trường hợp cần thiết cũng sẽ thực hiện. Nhưng với nhu cầu thị trường hiện nay, NHNN chưa triển khai giải pháp này.

- Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Trong 2 năm đại dịch 2020-2021, Mỹ đã bơm ra một lượng tiền lớn để hỗ trợ người dân và nền kinh tế, nên việc Fed công bố kế hoạch giảm gần 9.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, triển vọng đối với giá vàng rất lớn trước áp lực lạm phát cao và nhà đầu tư muốn bảo toàn vốn.

Đồng thời, giá vàng còn phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng trung ương trên thế giới và nhu cầu vàng trên thế giới lại phụ thuộc vào tình hình địa chính trị, cũng như áp lực lạm phát. “Trước áp lực lạm phát, tình hình địa chính trị Nga - Ukraine hiện nay, vàng vẫn được nhiều nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn và nhiều khả năng, mặt hàng kim quý này còn triển vọng trong thời gian tới”, ông Khánh nói.

Thị trường vàng toàn cầu đã có một khởi đầu vững chắc cho năm 2022, nhu cầu vàng trong quý I/2022 (không bao gồm thị trường OTC) tăng 34% so với cùng kỳ năm trước nhờ dòng vốn quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mạnh mẽ. Điều này cho thấy, vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ địa chính trị và kinh tế bất ổn, lạm phát tăng.

Theo thống kê của WGC, trong quý I/2022, hoạt động mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng hơn gấp đôi so với quý trước, bổ sung hơn 84 tỷ USD vào lượng vàng dự trữ chính thức (tương đương tăng 22%). Như vậy, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục đánh giá cao hiệu quả hoạt động của vàng trong giai đoạn bất ổn.

Ông Andrew Naylor cũng đưa ra nhận định, do Covid-19 dần được kiểm soát, nên nhu cầu vàng tăng. Mãi lực vàng đến từ hai đối tượng: các thể chế tài chính (ngân hàng trung ương) và người tiêu dùng. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương hiện phụ thuộc nhiều yếu tố như: lạm phát, tình hình địa chính trị Nga - Ukraine và WGC tin rằng, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ còn tăng, khi tình hình địa chính trị trên thế giới chưa lắng dịu.

Theo ông Robert Minter, Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư vào ETF của ABRDN (một công ty đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Vương quốc Anh), nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, khi lãi suất tăng và lạm phát cao.

Tuy nhiên, đối với thị trường nội địa, vàng không còn là kênh “trú ẩn” an toàn của nhà đầu tư, ngược lại còn rủi ro cao do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế lên khá cao, có thời điểm ở mức  29-20 triệu đồng/lượng. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới như hiện nay là “không thể chấp nhận được” và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.

Tin liên quan
Tin khác