Nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục để thị trường vàng tự điều tiết, tăng giảm theo giá thế giới. |
Nhà đầu tư cầm tiền chờ vàng giảm giá
Thị trường vàng thế giới đã trải qua tháng 8/2020 đầy sóng gió với những cú phi tên lửa, giá lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, đến cuối tháng, giá vàng đã bắt đầu chững lại.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia đầu tư tài chính cho rằng, giá vàng tháng 9 sẽ bình yên hơn tháng 8, thậm chí sẽ giảm tiếp sau thời gian khá dài tăng nóng. Dù vậy, sự chững lại của giá vàng chỉ là ngắn hạn và trong dài hạn, giá vàng vẫn có xu hướng đi lên bởi nhiều yếu tố hỗ trợ và các “cá mập” vẫn tăng cường nắm giữ.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, đến cuối tháng 8/2020, các quỹ ETF vàng lớn trên thế giới đã có 9 tháng mua ròng liên tiếp, đổ thêm hàng chục tỷ USD vào vàng. Trong tháng 8/2020, hoạt động chốt lời bắt đầu diễn ra, song tổng lượng bán ra vẫn ít hơn lượng mua vào. Đơn cử, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới là SPDR có số phiên bán và mua tương đương nhau trong tháng 8, nhưng tổng số lượng vàng mua vào vẫn nhiều hơn vàng bán ra.
Trong khi đó, thống kê tại các sàn vàng lớn trên thế giới cho thấy, giá vàng tại các hợp đồng tương lai từ nay đến hết năm 2021 tiếp tục tăng, chứng tỏ nhà đầu tư chưa hết kỳ vọng vào sự tăng trưởng của kim loại quý này. Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát, hy vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng kinh tế thế giới không còn, hiệu suất trái phiếu chính phủ Mỹ thấp kỷ lục, lãi suất ngày càng được nhiều nước đưa về 0%, làn sóng bơm tiền ồ ạt của các quốc gia… đang nuôi dưỡng giá vàng.
Có hai yếu tố khiến vàng có thể quay đầu giảm mạnh là nhà đầu tư lớn (các quỹ đầu tư lớn, các ngân hàng trung ương, các quỹ hưu trí…) bán mạnh vàng và Chính phủ các nước ngừng bơm tiền. Tuy nhiên, cả hai khả năng này rất khó xảy ra.
“Đến thời điểm hiện tại, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào vàng, tốc độ mua vàng của các quỹ đầu tư lớn dù chậm hơn trước, song vẫn tăng, chưa thấy ai rút ra cả. Khả năng ngân hàng trung ương và chính phủ các nước ngừng bơm tiền cũng là rất khó, bởi kể cả khi Covid-19 được kiểm soát, thì các nước vẫn phải bơm mạnh tiền để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Mặc dù nhận định giá vàng sẽ tăng trở lại, sớm vượt mốc 2.000 USD/ounce, song các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên đợi giá vàng giảm thêm trong vòng 1-2 tháng nữa mới đưa ra quyết định.
Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, doanh số mua vàng trong tháng 7/2020 tăng tới 51% so với tháng trước đó. Chưa có thống kê, song khả năng doanh số mua vàng trong tháng 8 cũng tăng trưởng đáng kể. Trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu đổ xô vào vàng để trú ẩn, khiến kênh đầu tư này tăng gần 30% kể từ đầu năm, việc một số nhà đầu tư trong nước đầu tư vào vàng là nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, giá vàng có tăng sốc nữa hay không, có khiến tình trạng đầu cơ vàng trở lại và gây sóng gió với nền kinh tế trong nước là vấn đề khiến nhà điều hành phải dè chừng.
Cơ quan quản lý bám sát
Đầu tháng 8/2020, khi giá vàng tăng sốc, chênh lệch vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch mua - bán tăng cao, NHNN khẳng định, nếu giá vàng diễn biến bất thường, sẽ có đủ nguồn lực và giải pháp bình ổn. Vậy thị trường thế nào là diễn biến bất thường? Nếu can thiệp, NHNN sẽ sử dụng nguồn lực, cách thức nào?
Theo giới chuyên gia, chênh lệch giá cao sẽ không được NHNN căn cứ để xác định yếu tố bất thường của thị trường. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đến nay, sự chênh lệch khủng đã diễn ra, nhưng NHNN chưa từng can thiệp. Yếu tố bất thường mà NHNN nói đến là khi biến động của thị trường vàng “truyền dẫn” đến tỷ giá, lãi suất, dòng chảy tiết tiết kiệm… Tuy nhiên, sự truyền dẫn này khó có khả năng xảy ra.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đánh giá, sau khi Nghị định 24 ra đời, đầu cơ vàng giảm mạnh, thị trường vàng diễn biến một cách độc lập. Biến động thị trường vàng - kể cả thời điểm giá vàng tăng kỷ lục đầu tháng 8/2020 - đều không tác động đến kinh tế vĩ mô. “Nếu vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, kinh tế vĩ mô, mà diễn biến theo giá thế giới, việc can thiệp thị trường vàng của NHNN là không cần thiết, kể cả khi vàng sốt giá”, ông Hiếu bình luận.
Những năm gần đây, nhiều thời điểm giá vàng tăng nóng, nhưng giao dịch khá nguội, người dân không còn mấy mặn mà. Rủi ro của kênh đầu tư này quá lớn, nhà vàng lại đẩy mọi rủi ro về phía người mua. Thực tế, tháng 8/2020, dù giá vàng tăng, song nhiều nhà đầu tư cũng ngấm đòn khi chỉ vài ngày sau khi mua vàng đã lỗ ngay trên chục triệu đồng/lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, tại Agribank, không thấy tình trạng người dân rút tiền đầu tư vào vàng. Ngược lại, tiền gửi tiết kiệm đổ vào Ngân hàng liên tục tăng mạnh.
Dù khả năng can thiệp không cao, song NHNN vẫn tuyên bố sẵn sàng các kịch bản ứng phó, can thiệp thị trường nếu cần thiết. NHNN đang sở hữu Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia hơn 90 tỷ USD, trong đó lượng ngoại hối dự trữ bằng vàng - theo Tổ chức Cung cấp dữ liệu quốc tế CEIC - là 560,1 triệu USD. Quy mô giao dịch mỗi tháng của thị trường Việt Nam khá nhỏ, nên khả năng bơm vàng hoặc dùng USD để nhập vàng về bình ổn thị trường của NHNN là trong tầm tay.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, NHNN nên coi vàng là một loại hàng hóa bình thường, không cần thiết can thiệp nếu không tác động xấu tới kinh tế vĩ mô. Nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục để thị trường vàng tự điều tiết, tăng giảm theo giá thế giới.