Ngân hàng - Bảo hiểm
Vàng là nguồn lợi nhuận trong dài hạn
Vân Linh - 24/02/2023 10:47
Vàng được định giá bằng các loại tiền tệ khác đã cho thấy lợi suất tốt trong năm nay và WGC cũng coi vàng là tài sản chiến lược dài hạn.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Chính sách công của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho rằng, trước mắt, áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tác động lên vàng, song về lâu dài sẽ giảm. Vàng được định giá bằng các loại tiền tệ khác đã cho thấy lợi suất tốt trong năm nay và WGC cũng coi vàng là tài sản chiến lược dài hạn.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Chính sách công của Hội đồng Vàng thế giới (WGC)

Khi các yếu tố bên ngoài đang tác động mạnh lên giá vàng, với việc Fed liên tục tăng lãi suất, tác động tích cực lên USD và vàng trong xu hướng giảm, thì nhà đầu tư và người dân Việt Nam mua vàng còn có lợi?

Fed liên tục tăng lãi suất và USD mạnh là trở ngại với vàng. Nhiều nhà phân tích dự đoán, lãi suất có thể tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm tới. Nghiên cứu của WGC cho thấy, việc Fed thắt chặt chính sách sẽ có ảnh hưởng rõ ràng nhất vào giai đoạn khởi đầu của chu kỳ thắt chặt. Về lâu dài, lãi suất dần được ổn định, nên ảnh hưởng đối với giá vàng sẽ giảm dần.

Vàng được định giá bằng các loại tiền tệ khác đã cho thấy lợi suất tốt trong năm nay. Chúng tôi cũng coi vàng là tài sản chiến lược dài hạn. Cũng như với bất kỳ tài sản nào, nhà đầu tư dễ gặp rủi ro về lợi suất trong ngắn hạn, nhưng phân tích của WGC đã chỉ ra rằng, xuyên suốt lịch sử, vàng là một nguồn lợi nhuận trong dài hạn.

Sức tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam gia tăng, nhưng chênh lệch giá vàng ở thị trường nội địa và thế giới khiến nhiều người lo ngại?

Chênh lệch giá vàng chủ yếu đến từ việc hạn chế nguồn cung. Tại Việt Nam, nhu cầu vàng được dự đoán vẫn sẽ cao, do đó, vấn đề hạn chế nguồn cung sẽ không có quá nhiều tác động. Khi vàng được phép nhập khẩu nhiều hơn, sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về giá vàng trong nước và quốc tế. 

Thị trường vàng là thị trường mang tính toàn cầu, nhưng các chuỗi cung ứng địa phương và các kích cỡ thanh vàng khác nhau có thể tạo ra chênh lệch giá. Để giúp người tiêu dùng định hướng thị trường vàng và tìm ra sản phẩm thích hợp nhất, WGC đã phát triển Hướng dẫn dành cho nhà đầu tư vàng bán lẻ (Retail Gold Investor Guidance), với một số điều cần lưu tâm chính gồm cách bảo quản vàng dành cho người dùng, độ tinh khiết, thương hiệu, uy tín của người bán và tính thanh khoản.

Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể khơi thông được nguồn lực vàng lớn đang “bất động” trong dân kể từ khi các ngân hàng không được phép huy động và cho vay vốn bằng vàng?

Việc công nhận vàng là một hình thức trao đổi giá trị và thanh toán hợp pháp là chìa khóa để có thể tận dụng và phát huy tối đa giá trị của vàng, từ đó góp phần phát triển kinh tế. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu các tổ chức chính thống, được quản lý bởi pháp luật như ngân hàng được phép tham gia thị trường vàng. Số hóa thị trường vàng cũng là một cách tiếp cận khác có thể cân nhắc. Các sản phẩm vàng kỹ thuật số có thể mở ra tiềm năng của vàng.

Ông có thể hiến kế giải pháp nào để nhà đầu tư mua vàng tại Việt Nam giảm thiểu rủi ro khi giá trong nước cao hơn giá vàng quốc tế?

Có một sự thật rằng, bất chấp những hạn chế về nguồn cung vàng, nhu cầu vàng ở Việt Nam vẫn cao. Người Việt Nam rất ưa chuộng vàng và điều này thể hiện qua nghiên cứu tiêu dùng do WGC thực hiện.

Nếu các quy định hạn chế về nguồn cung được nới lỏng, vấn đề giá vàng sẽ được giải quyết. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất trang sức vì thị trường xuất khẩu vàng được tạo điều kiện để phát triển, nhất là khi Việt Nam vốn nổi tiếng với thiết kế tinh tế và tay nghề thủ công cao. Thông qua việc thiết lập thị trường xuất khẩu trang sức, vàng sẽ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá vàng cạnh tranh trong nước.

Tin liên quan
Tin khác