Sở dĩ giá vàng giảm thêm do USD tăng mạnh giữa lúc nền kinh tế Mỹ không có gì đảm bảo cho một kịch bản hạ cánh mềm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng khiến vàng kém hấp dẫn.
Chỉ số USD Index, dao động gần mức đỉnh hai thập kỷ gần đây và đạt mức tăng 6% trong quý trước, cũng gây áp lực lên kim loại quý vàng.
Thêm vào đó, các kỳ vọng về việc nâng lãi suất cơ bản USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiểm soát lạm phát nên đã có xu hướng làm tăng lợi tức trái phiếu và tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell khẳng định, dù suy thoái hay không, cơ quan này sẽ vẫn tăng lãi suất để giảm lạm phát của Mỹ đang tăng cao trong hơn 40 năm qua.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Sintra, Bồ Đào Nha, ông Powell nói rõ rằng, Fed đã cam kết giảm lạm phát ngay cả khi điều đó có nghĩa là tăng lãi suất lên mức khiến tăng trưởng kinh tế gặp rủi ro.
Giới phân tích cũng cho rằng, khả năng Fed sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” với việc tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Người đứng đầu Fed cũng thừa nhận rằng, chính sách tiền tệ sửa đổi của Fed khả năng sẽ dẫn đến sự suy thoái kinh tế, nhưng dữ liệu mới cho thấy áp lực lạm phát sẽ vẫn cực kỳ nóng.
Các dự báo hiện tại cho thấy, báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) sắp được công bố sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục duy trì hơn gấp 3 lần mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Vì thế, Chủ tịch Fed cho rằng, sai lầm lớn hơn sẽ là không khôi phục được sự ổn định giá cả nên buộc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát của Mỹ đang tăng cao.
Nếu những dự báo này là chính xác, nó sẽ làm tăng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp FOMC ngày 26 - 27/7 tới.
Vàng bật tăng trong một thời gian ngắn sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy chỉ số giá chi tiêu cá nhân tăng 6,3% trong tháng 5 sau khi tăng cùng biên độ vào tháng 4. Tuy nhiên, giá vàng nhanh chóng quay trở lại dao động trong biên độ hẹp vài phiên vừa qua.
Thực tế, giá vàng đã giảm hơn 6% trong quý II/2022 do các đề xuất thắt chặt chính sách hơn của Fed. Ngoài ra, có nhiều khả năng những lo lắng về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu trên khắp thị trường hàng hoá.
Vàng thường được hưởng lợi từ lạm phát cao, nhưng việc nâng lãi suất dẫn đến chi phí cơ hội cao hơn đối với việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong dài hạn kim loại quý vẫn còn đà tăng vững chắc. Đáng chú ý, với lạm phát tăng ngoài tầm kiểm soát, người tiêu dùng đang mất niềm tin vào tiền tệ, giới đầu tư tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng.
Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng dự báo giá vàng sẽ lên 2.500 USD/ounce trong năm 2022. Theo ngân hàng này, rủi ro lạm phát có thể là yếu tố tác động mạnh đến giá vàng trong năm nay.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm 150.000 đồng, xuống còn mua vào, lên 68,15 triệu đồng/lượng và bán ra còn 68,75 triệu đồng/lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, giá vàng trong nước tăng 6,63%.
Nhưng quy đổi, giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 17,75 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí).
Ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 2 đồng, lên 23.112 VND/USD. Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá USD lên cao, Vietcombank tăng 15 đồng, mua vào lên 23.110 - 23.140 VND/USD và bán ra 23.420 VND/USD.