Ngân hàng
Vàng lùi về sát ngưỡng 1.700 USD/ounce
T.V - 29/09/2021 09:48
Giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế sáng nay tiếp tục giảm thêm 7 USD/ounce, xuống còn 1.734 USD/ounce trước áp lực tăng giá của USD và trái phiếu Mỹ.

Giá vàng trên đà giảm tiếp khi sức khỏe đồng bạch xanh và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, trong khi giới đầu tư chờ đợi những tín hiệu về chính sách từ bài phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Fed - ông Powell sẽ diễn ra vào 10h00 sáng giờ địa phương. Ông Powell gần đây cho biết, Fed sẽ hành động chống lại lạm phát không được kiểm soát nếu cần.

Thị trường vàng đang vật lộn với những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong ba tháng và chứng khoán Mỹ sụt giảm. Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex có mức lỗ hai con số và được giao dịch ở mức gần 1.740 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất trong hơn ba tháng, theo đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì làm tăng chi phí cơ hội sở hữu kim loại quý. 

Trong khi đồng USD cũng tăng cao khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ, tăng lên 93,74 điểm sáng nay.

Giới phân tích nhận định, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ khiến vàng lao dốc và kim loại quý đang trong đà giảm còn 1.730 USD/ounce và thậm chí lùi về ngưỡng 1.700 USD/ounce. 

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng lúc này là trần nợ công của Mỹ. Nếu trần nợ không được nâng lên đúng lúc, Mỹ sẽ vỡ nợ, điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính và làm suy yếu đồng USD. Điều bắt buộc là Quốc hội phải nhanh chóng giải quyết giới hạn nợ.

Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, thị trường vàng đang chờ quyết định của Quốc hội Mỹ về vấn đề nâng trần nợ công của Mỹ hay không vào ngày thứ 5 tuần này.

Nếu Quốc hội không nâng lên thì Chính phủ Mỹ hết tiền nên phải đóng cửa và thậm chí có thể phá sản. Vì thế, cần được sự thông qua của Quốc hội. Nếu vấn đề nợ công của Mỹ được thông qua vàng khả năng còn đi xuống.

Thậm chí còn xuống cả mức cản 1.680 USD/ounce như đã giảm cách đây vài tháng, chứ không chỉ có ngưỡng kỷ thuật 1.700 USD/ounce. Ngược lại, nếu Chính phủ Mỹ lình xình thì vàng sẽ tiếp tục bật tăng.

Thêm vào đó, biến chủng dịch bệnh Denlta cũng đang diễn biến khá phức tạp ở Mỹ nên nhà đầu tư vẫn tìm đến hầm trú ẩn an toàn. Các quỹ đầu tư và đầu cơ vàng trên thế giới cũng dò "đáy" để tìm cơ hội mua vào mặt hàng kim quý vàng.

Cùng với xu hướng đi xuống của vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng nay cũng điều chỉnh giảm 150.000 đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 56,35 triệu đồng/lượng và bán ra 56,95 triệu đồng/lượng. 

Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới ở mức kỷ lục đến 9,15 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). 

Nhưng theo ông Khánh, điều này chỉ có thể thay đổi và muốn rút ngắn khoảng chênh lệch vàng trong nước và thế giới chỉ có phương an duy nhất là cấp quota cho một số doanh nghiệp vàng được nhập vàng nguyên liệu, xóa độc quyền vàng miếng SJC.

Song phía NHNN vẫn kiên trì mục tiêu kiểm soát thị trường vàng để chống tình trạng đôla hóa, vàng hóa nên khó cho tái nhập vàng nguyên liệu. 

Ngày 29/9, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục tăng 10 đồng so với hôm qua, lên 23.155 đồng/USD. Trong khi, giá USD tại các ngân hàng ổn định. Vietcombank vẫn giữ nguyên giá mua vào 22.640 đồng/USD và bán ra 22.870 đồng/USD.

Tin liên quan
Tin khác