Giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.080 USD/ounce vào thứ Sáu, đánh dấu mức cao nhất mọi thời khi có thời điểm giao dịch ở mức 2.087,88 USD/ounce. Vàng thế giới đóng khép lại tuần qua tại 2.083 USD/ounce, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp của kim loại quý này trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi.
Dữ liệu tháng 2 vừa công bố tiếp tục cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của Mỹ và các cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cũng chỉ ra điểm yếu tương tự. Chỉ số PMI Sản xuất ISM tại Hoa Kỳ đã giảm xuống 47,8 vào tháng 2/2024 từ mức 49,1 của tháng trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 49,5, đánh dấu giai đoạn hoạt động sản xuất sụt giảm thứ 16 liên tiếp, xóa tan hy vọng trước đó về lực kéo mới trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, cũng trong tuần vừa qua, số liệu lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 1 ghi nhận mức thấp nhất trong gần ba năm. Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 29/2, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không tính chi phí thực phẩm và năng lượng (PCEPI lõi) tháng 1 đã tăng 0,4% so với tháng liền trước và 2,8% so với một năm trước. PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các số liệu công bố đều phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
Mới đây, Chủ tịch Fed New York, ông John Williams cũng đã bày tỏ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, nhấn mạnh lạm phát giảm bớt và nền kinh tế mạnh mẽ, đồng thời lưu ý rằng điều kiện kinh tế hiện tại không cần thiết phải tăng lãi suất.
Trước hàng loạt dữ liệu kinh tế không mấy tích cực của Mỹ và nhận xét của một số quan chức Fed, chỉ số US Dollar Index cũng đã giảm và không trụ được ở ngưỡng 104 điểm.
Đà tăng của vàng thế giới đã làm nóng thị trường vàng trong nước, kể cả khi đã bước vào ngày nghỉ cuối tuần. Giá vàng miếng SJC bứt phá và lần đầu chạm mốc 81 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC đang được giao dịch ở mức 78,5 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), lần lượt tăng 700 nghìn đồng ở chiều mua và 1,2 triệu đồng ở chiều bán so với cuối phiên trước. Tập đoàn DOJI và Phú Quý cũng đồng loạt điều chỉnh mức tăng tương tự. Chênh lệch giá mua – bán lại nới rộng trở lại, phổ biến ở mức 2,3-2,5 triệu đồng mỗi lượng.
Tính chung cả tuần nay, giá vàng miếng SJC đã tăng 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán và tăng 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào.
Giá vàng miếng SJC chính thức chạm mốc 81 triệu đồng/lượng sau khi vàng thế giới xác lập kỷ lục mới |
Không riêng SJC, đóng cửa sáng nay, giá bán ra của các hãng vàng đối với sản phẩm vàng miếng SJC phần lớn chỉ thấp hơn 50.000 - 100.000 đồng so với tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn. Ở chiều mua vào, Phú Quý là hãng vàng đã yết giá thu mua cao nhất tại Hà Nội (78,65 triệu đồng/lượng).
Chung xu hướng, vàng nhẫn, vàng trang sức cũng tiếp tục nối dài chuỗi tăng. Vàng nhẫn 9999 tại SJC yết giá mua ở mức 65,3 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra 66,5 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng/lượng so với hôm qua. Tại Bảo tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn cũng vọt mạnh, giao dịch ở mức 66,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,98 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tới cả triệu đồng chỉ sau một đêm.
Giá vàng tại Bảo tín Minh Châu tuần qua. Nguồn: BTMC |
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới quy đổi hiện xấp xỉ quanh 17 triệu đồng/lượng. Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Chỉ thị 06, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.