Giá USD tăng sau khi một số nhà đầu tư tìm tới đồng bạc xanh để tránh đợt bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán ở vài phiên gần đây.
Đồng đô la Mỹ tăng vào sáng thứ Ba ở châu Á, nhưng đã giảm xuống dưới mức cao nhất trong một năm khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm mới nhất của Hoa Kỳ để biết manh mối về thời gian bắt đầu giảm mua tài sản và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Việc này có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 11/2021 và khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm 2022. Lo ngại về nguy cơ lạm phát toàn cầu và cuộc tranh luận về trần nợ công của Mỹ cũng thúc đẩy đồng bạc xanh trú ẩn an toàn.
USD tăng lên mức cao nhất gần 1 năm so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, nhận được hỗ trợ từ lo ngại rằng giá dầu leo thang sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát hiện tại. USD Index tăng lên 94,03 điểm sáng nay.
Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát cao và bất ổn địa chính trị, nhưng vì là một tài sản được định giá bằng USD nên có xu hướng bị áp lực bởi sức mạnh của đồng bạc xanh.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Một nguyên nhân khác dẫn đến đà giảm giá của vàng đến từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán dẫn đến áp lực bán ra của nhà đầu tư.
Một khi chứng khoán giảm mạnh sẽ xuất hiện nhu cầu bắt đáy và điều này tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên hôm qua.
Trong đó, Dow Jones tăng 311,75 điểm, tương đương 0,92%, lên 34.314,67 điểm; S&P 500 tăng 45,26 điểm, tương đương 1,05%, lên 4.345,73 điểm và Nasdaq tăng 178,35 điểm, tương đương 1,25%, lên 14.433,83 điểm.
Đồng thời báo cáo việc làm của Mỹ vào thứ Sáu tuần này cũng sẽ củng cố các kế hoạch thắt chặt của cả hai ngân hàng trung ương các nước này.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã nói rõ rằng, họ sẵn sàng giảm mua tài sản và báo cáo việc làm của tháng này sẽ không thể cản trở ngân hàng trung ương.
Thị trường vàng và nhà đầu tư đang hướng về số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố cuối tuần này, dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện thị trường lao động.
Điều này có thể thúc đẩy Fed bắt đầu giảm bớt kích thích tiền tệ trước cuối năm nay, song nếu điều này xảy ra thì không có lợi cho vàng.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo của vàng là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 1.800 USD/ounce. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.700 USD/ounce.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 56,7 triệu đồng/lượng và bán ra 57,4 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua.
Nhưng quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới ở mức 9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Vàng trong nước cao hơn thế giới là một thực tế tồn tại lâu nay, song khoảng cách chênh lệch này đã tăng lên mức khá cao trong thời gian khoảng 1 tháng trở lại đây, có nhiều thời điểm lên đến 9,15 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vàng trong nước cho rằng, khó xóa bỏ được thực trạng trên khi thị trường vàng trong nước không còn được liên thông với thị trường vàng thế giới và xuất, nhập vàng.
Đặc biệt, trong gần 1 năm qua khi công tác phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, nhất là ở các vùng biên giới khiến nguồn vàng lậu khó vào thị trường trong nước.
Trong khi, nguồn vàng nguyên liệu trong nước hạn chế, doanh nghiệp khó mua được vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó việc độ quyền thương hiệu vàng SJC cũng là một rào cản.... và đây cũng là lý do kéo giãn chênh lệch vàng trong nước cao hơn thế giới.
Ngày 6/10, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.158 VND/USD, tăng 4 đồng so với hôm qua. Còn giá USD tại một số ngân hàng thương mại duy trì đi ngang như Vietcombank vẫn mua vào là 22.630 VND/USD và bán ra 22.860 VND/USD.