USD giảm giá khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Cạnh tranh với USD trong vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn, vàng đã giảm hơn 380 USD kể từ đầu tháng 3 khi đợt tăng của đồng bạc xanh tăng thêm áp lực sau những trở ngại từ việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất USD cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng và làm suy yếu sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của nó.
Một yếu tố hỗ trợ vàng phục hồi là Euro tăng so với đồng USD, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất vượt dự kiến, do lo ngại lạm phát ảnh hưởng tới tăng trưởng, ngay cả khi nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lao đao vì tác động của cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua với mức 50 điểm cơ bản.
Theo quyết định trên, lãi suất tiền gửi của ECB đã thoát khỏi khu vực âm lần đầu tiên trong 8 năm, lên mức 0%. Lãi suất đối với các giao dịch tái cấp vốn tăng lên 0,50% và lãi suất cho vay là 0,75%
Các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng, vàng vẫn đang trong trạng thái giằng co bởi các yếu tố cơ bản trái chiều. Một mặt là lạm phát gia tăng, lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng lớn, nhưng mặt khác là lãi suất tăng cao, USD mạnh lên.
Tâm điểm của thị trường là quyết định chính sách của Fed, với Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tuần tới.
Đà rơi của giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng nóng lên 9,1% trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo, đây là mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 11/1981.
Kết quả này vượt dự báo đưa ra trước đó của giới chuyên gia là tăng 8,5% theo năm. Trong tháng 5, chỉ số CPI tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chính vì giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh trong tháng 6/2022, củng cố cho khả năng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này của Fed. Thậm chí, các dự báo đưa ra khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100% điểm cơ bản cuối tháng này.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào vàng miếng 64,3 triệu đồng/lượng và bán ra 66,3 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua.
Tuy nhiên, quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 17,5 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí).
Đồng thời, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng của SJC vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng bị thiệt khi muốn bán ra.
Ngày 22/7, tỷ giá trung tâm hôm nay (22/7) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.212 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.550 - 23.400 VND/USD.
Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.516 - 23.908 VND/USD. Tại ngân hàng Vietcombank mua vào còn 23.240 - 23.270 đồng/USD, bán ra 23.550 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.