Giá vàng thế giới sau khi tuột khỏi ngưỡng giá tâm lý 1.700 USD/oz rạng sáng 1/5 đã tục lao dốc mạnh. Hiện vàng giao ngay chỉ còn giao dịch ở mức 1.673 USD/oz, giảm 40 USD/oz so với một ngày trước đó. Giá vàng giao tháng 6/2020 cũng giảm mạnh và chỉ còn nhỉnh hơn giá giao ngay chưa đến 10 USD/oz.
Giá vàng thế giới giảm 40 USD/oz sau một ngày |
Vàng thế giới quy đổi hiện đã giảm về còn khoảng 47,3 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước cũng đã giảm mạnh trong hôm nay ở một số hãng vàng nhưng vẫn đang cao hơn đáng kể (từ 850.000 đồng đến 1 triệu đồng) so với giá mỗi lượng quy đổi.
Tập đoàn DOJI đang là hãng vàng yết giá bán hấp dẫn nhất (48,15 triệu đồng/lượng) và 47,65 triệu đồng ở chiều mua vào. Các hãng vàng khác đều có mức chênh lệch mua – bán nới rộng hơn. Cụ thể, giá vàng yết tại Bảo tín Minh châu hiện là 47,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Tập đoàn Phú quý, mức giá niêm yết nhỉnh hơn 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
So với thời điểm đầu tháng 4/2020 khi giá vàng được yết phổ biến ở mức 46,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng dù chỉ nhích lên chưa đến 500.000 đồng ở chiều bán ra nhưng đã tăng khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng. Cũng phải nói thêm rằng, kể từ cuối năm 2012 đến nay, giá vàng thế giới chỉ có ba đợt giao dịch trên mốc 1.700 USD/oz. Trừ phiên giao dịch hôm 9/3, hai đợt còn lại đều nằm trong tháng 4 này, bao gồm giai đoạn 14/4-17/4 và giai đoạn vừa qua 17/4-30/4.
Cuộc họp báo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rạng sáng hôm thứ 5 đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất tại mức 0% - 0,25% như hiện nay cũng như khẳng định sẽ không vội vàng trong việc ngưng các biện pháp hiện đang hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ. Dù vậy, thông tin này lại hỗ trợ nhiều hơn cho thị trường cổ phiếu, kéo dòng tiền của nhà đầu tư đặt cược ở kênh đầu tư có mức độ rủi ro cao hơn.
Chủ tịch Fed cũng cảnh báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ sụt giảm mạnh trong quý 2/2020 dưới các tác động của dịch bệnh và khó có thể nhanh chóng phục hồi trở lại như trước khi khủng hoảng xảy ra.
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng lưu ý có những yếu tố không chắc chắn trong việc mất bao lâu để kiểm soát được đại dịch Covid-19 và liệu có thêm đợt bùng phát nào hay không hoặc tìm ra vaccine cho dịch bệnh. Nếu
Dịch bệnh bùng phát thời gian qua ở Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Hoa Kỳ khi GDP quý I đã giảm 4,8%. Dự báo của các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley thậm chí mới đây còn điều chỉnh theo hướng đáng ngại hơn, cho rằng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giảm 30,1%, tỷ lệ thất nghiệp trung bình 12,8% và tiêu dùng giảm 31%.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD đã giảm giá mạnh và hiện giao dịch ở mức 98,8 điểm. Tỷ giá trung tâm cuối tháng 4 được NHNN ấn định ở mức 23.257 đồng/USD, giảm đáng kể so với mức đỉnh 23.272 đồng thiết lập cuối tuần trước. Tuy vậy, tỷ giá trung tâm cũng đã tăng tới 25 đồng trong tháng 4 vừa qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 23.500-23.510 đồng/USD ở chiều bán ra.