Ngân hàng
Vàng tiếp đà tăng cao, vượt 1.800 USD/ounce khi USD giảm
T.V - 02/12/2022 12:15
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay tăng thêm gần 35 USD/ounce, vượt trên 1.800 USD/ounce khi sức khỏe đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu Mỹ suy yếu.

Chỉ số US Dollar Index - thước đo đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm mạnh 1,18% xuống 104,85 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống còn 3,556%.

Tỷ giá euro so với USD giảm 0,16% ở mức 1,0510. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,19% ở mức 1,2233. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,14% ở mức 135,53.

Sở dĩ, sức khỏe đồng bạc xanh sụt giảm là sau phát biểu được đánh giá là ôn hòa hơn dự kiến của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chiều hôm qua về việc sẽ làm chậm lộ trình tăng lãi suất USD.

Việc ông Powell xác nhận ngân hàng trung ương này chuẩn bị giảm tốc chiến dịch tăng lãi suất đã thổi bùng diễn biến tăng giá khắp các thị trường chứng khoán, gây áp lực lên chỉ số US Dollar Index và làm giảm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Nhưng giá mặt hàng kim quý vàng lại được hưởng lợi sau phát biểu này. Giá vàng bật tăng hơn 2%, vượt lên hơn 1.800 USD/ounce khi lo ngại suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng, với lĩnh vực sản xuất rơi vào tình trạng thu hẹp.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Quản lý cung ứng (ISM), chỉ số PMI sản xuất đã giảm xuống 49% trong tháng trước, không đạt kỳ vọng và giảm so với mức 50,2% của tháng 10.

Báo cáo cũng lưu ý rằng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020, khi nền kinh tế bị gián đoạn nghiêm trọng do phong tỏa Covid-19.

Các nhà đầu tư trên thị trường cũng nhận thấy 91% khả năng lãi suất tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12 sắp tới của ngân hàng trung ương Mỹ.

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng. 

Tuy nhiên, điều hỗ trợ thêm cho việc đặt cược xoay quanh việc tăng lãi suất chậm hơn, dữ liệu kinh tế cho thấy xu hướng lạm phát của Mỹ ở mức vừa phải vào tháng trước, thúc đẩy sự quan tâm đến vàng, theo các chuyên gia phân tích.

Hôm 1/12, CNBC trích dẫn báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi đã tăng 0,2% trong tháng 10 và 5% so với năm trước.

Mức tăng hàng tháng đang thấp hơn ước tính 0,3% của Dow Jones, trong khi mức tăng hàng năm là tương đương. PCE cốt lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng và là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. 

Đối với thị trường vàng trong nước lại có xu hướng ngược chiều với vàng thế giới khi giá vàng miếng SJC cũng tăng theo đà tăng giá vàng quốc tế, nhưng mức tăng ít hơn nhiều, thậm chí còn giảm

Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 66,7 triệu đồng/lượng lên mức 67,4 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó giảm xuống 66,4-67,2 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm khoảng 200.000 đồng.lượng so với phiên hôm qua.

Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí) nên mua vàng trong nước rủi ro cao.

Sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.660 đồng/USD, giảm 2 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 24.840 đồng/USD.

Với biên độ áp dụng 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.477 - 24.843 đồng/USD. Tại Vietcombank, giá mua vào là 24.320 - 24.350 đồng, bán ra 24.630 đồng/USD. 

Tin liên quan
Tin khác