Sản phẩm nhiều tính ưu việt
Đánh giá về ưu điểm của loại gạch không nung, anh Sáu - chủ doanh nghiệp đã thất bại khi đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung mà Đầu tư Bất động sản phản ánh trong số báo trước - cho biết, quá trình sản xuất gạch không nung không sử dụng đến đất, do đó không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp.
Mặt khác, do không dùng đến than củi, nên tiết kiệm được nhiên liệu và không gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, nguyên vật liệu để sản xuất gạch không nung hết sức phong phú và có sẵn trong nước như mạt đá, cát vàng, xi măng…, sản phẩm đa dạng. Dây chuyền sản xuất gạch sử dụng ít công nhân, do các khâu hầu hết được tự động hoá…
Cũng theo anh Sáu, so với gạch nung truyền thống, thì cường độ chịu lực của vật liệu xây dựng không nung có thể đáp ứng theo nhu cầu sử dụng tốt hơn rất nhiều trong xây dựng các công trình cao ốc. Chẳng hạn, đối với những vị trí yêu cầu cường độ rất cao (300 - 400 kg/cm2), thì gạch nung không đáp ứng được.
Còn với những vị trí yêu cầu cường độ thấp (chỉ mang tính chất tường ngăn), thì sử dụng gạch không nung sẽ giúp giảm lượng xi măng phối liệu, giảm lượng vữa dùng để xây, trát tới 2,5 lần. Mặt khác, kích thước viên gạch không nung lớn hơn nhiều so với gạch nung (từ 2 đến 11 lần), cho phép giảm được chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian và chi phí xây dựng.
Ngoài ra, gạch không nung còn có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm cao. Điều này hoàn toàn phù hợp vào kết cấu của viên gạch và cấp phối vữa bê tông. Nếu có chất độn nhẹ, ví dụ sỏi keramzit, đá basalt nhẹ, than xỉ…, thì trọng lượng viên gạch không nung giảm đáng kể.
Chưa dừng lại ở đó, nếu dùng gạch không nung lát đường, vỉa hè, cũng có nhiều lợi thế hơn so với các vật liệu khác. Cụ thể, cường độ chịu lực cao, giảm thời gian thi công; đường, vỉa hè sau khi lát xong có thể sử dụng được ngay. Trong quá trình thi công, gạch lát không nung không cần trát mạch, do vậy tiết kiệm vật liệu, nhân công, giảm thời gian thi công và nhất là có tác dụng thoát nước cho mặt vỉa hè. Khi cần thiết có thể dễ dàng thay đổi.
Một ưu điểm nữa của gạch không nung là có kích thước, kiểu dạng và mẫu mã đa dạng, có tính thẩm mỹ cao. Hơn nữa, do đặc điểm của gạch block là gạch bê tông tự đông cứng, nên trong quá trình thi công không phụ thuộc vào thời tiết.
Một gian hàng vật liệu xây dựng không nung vắng khách tại Hội triển lãm Viebuild Hà Nội năm 2017 lần 1. Ảnh: Nhất Nam |
Nhưng vướng mắc từ chính sách…
Trên thực tế, cơ chế chính sách khuyến kích sử dụng vật liệu không nung theo Thông tư 09/2012/TT-BXD còn một số hạn chế, chưa phù hợp với từng vùng miền, nên việc áp dụng gặp khó khăn. Chẳng hạn như cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư mới, còn các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư thêm thì không được thụ hưởng; các dự án nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của các doanh nghiệp là chủ đầu tư khu công nghiệp, cũng không được thụ hưởng chính sách ưu đãi này…
Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung chưa được hưởng các ưu đãi theo theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và các nghị định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, mặc dù các tiêu chuẩn của sản phẩm vật liệu xây dựng không nung cơ bản đã được ban hành đưa vào có hiệu lực, song vẫn còn một số chỉ tiêu chưa phù hợp cần phải soát xét, bổ sung. Cụ thể, dù đã có Tiêu chuẩn TCVN 5573:2001 - kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép - tiêu chuẩn thiết kế, nhưng tiêu chuẩn về thiết kế kết cấu hướng dẫn thi công gạch bê tông chưa ban hành. Hay định mức xây dựng sử dụng vật liệu xây dựng không nung đã ban hành, song còn nhiều bất cập, nên khi áp dụng vào thực tế bộc lộ nhiều hạn chế.
Việc triển khai các chính sách về sử dụng vật liệu xây dựng không nung tại nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác thanh, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của nhiều địa phương còn hạn chế, dẫn đến các cơ chế chính sách của Nhà nước chưa được áp dụng hoặc áp dụng chưa triệt để.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chương trình, hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hạn chế sản xuất và gạch đất sét nung; chưa ban hành chính sách hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện chương trình.
Chẳng hạn, theo quy định, nhiều công trình phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung, nhưng khi thiết kế, thẩm định cấp phép, các cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu phải đưa vào, mà vẫn duyệt khi công trình sử dụng vật liệu khác. Công tác nghiệm thu quyết toán vẫn cho qua khi công trình sử dụng vật liệu sai quy định…
Thêm vào đó, việc ban hành các hướng dẫn thi công với các gạch bê tông còn chậm, việc soát xét chỉnh sửa các tiêu chuẩn sản phẩm, hướng dẫn thi công gạch bê tông nhẹ, định mức sử dụng gạch không nung cũng chậm và chưa phù hợp.
Một khó khăn nữa với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung là khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, hầu như rất ít doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn.
Trong khi đó, được định vị là thay thế cho gạch nung, nhưng trên thị trường, gạch nung vẫn được sản xuất tràn lan, trong khi giá bán rẻ hơn nhiều, khiến gạch không nung bị cạnh tranh khốc liệt, rất khó chen chân vào các công trình.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, dù việc sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung hiện còn nhiều vướng mắc, nhưng trong khi thị trường nội địa đang gặp khó khăn, thì một số công ty đã tìm được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài với chủng loại gạch AAC.
“Từ năm 2012 – 2014, hai công ty ở miền Nam và một công ty ở miền Bắc đã xuất khẩu gạch AAC sang Đài Loan, Singapore, Úc, có năm chiếm 50-80% công suất sản xuất”, ông Bắc cho biết.
…Đến từng doanh nghiệp đầu tư
Ngoài khó khăn về chính sách, một khó khăn nữa khiến vật liệu xây dựng không nung chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa là do một số nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên nhập các dây chuyện công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt.
Một số nhà máy, do hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ, nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng quy trình, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.
Ngoài ra, có thể đây là sản phẩm mới, lại không phát huy được công suất, nên khấu hao lớn, dẫn đến giá thành cao và gặp khó khăn khi vào thị trường. Đồng thời, việc nhận thức của một số chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây dựng không nung còn chưa đầy đủ, nên không muốn sử dụng loại vật liệu này khi xây dựng công trình, kể cả các công trình theo quy định bắt buộc phải sử dụng.
Đối với gạch bê tông, nhiều hộ cá thể và doanh nghiệp sản xuất không quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng gạch bê tông, đầu tư thiết bị, cũng như sản xuất ra sản phẩm chưa bảo đảm kỹ thuật, nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường, gây tác động tiêu cực trong dư luận về vật liệu xây dựng không nung.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích: “Bê tông nhẹ là vấn đề quan trọng, nhưng chất lượng sản xuất của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Việc này, chúng tôi cũng đi khảo sát ở một số nước và thấy chúng ta chưa làm đúng công nghệ sản xuất”.
Cũng theo ông Huynh, vấn đề nguyên liệu cũng chưa ổn định. Chẳng hạn, vấn đề bột nhôm, nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều loại khác nhau, pha chế khác nhau, thậm chí nhiều nhà máy dùng bột nhôm rẻ tiền nhất để sản xuất bê tông nhẹ, nên khó có thể đạt chuẩn.
“Vôi sản xuất cho bê tông nhẹ cũng khác. Nếu chúng ta không làm đúng thì bê tông nhẹ khó phát triển được”, ông Huynh cho biết thêm.
Đâu là lời giải để phá được những “bức tường” ngăn cản vật liệu xây dựng không nung có chỗ đứng trên thị trường? Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tìm câu trả lời và sớm thông tin đến độc giả.