Lãnh đạo Quốc hội, Bộ GTVT cắt băng thông xe Quốc lộ 217 giai đoạn I |
Được biết, tổng giá trị của khoản vay ADB lần này cho Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 giai đoạn 2 là 71,13 triệu USD, thời hạn vay 25 năm, trong đó 5 năm ân hạn, lãi suất là 2%/năm trong thời gian vay.
Dự án Quốc lộ 217 giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 1.717,2 tỷ đồng, tương ứng với 80,243 triệu USD do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án I là đại diện chủ đầu tư; được triển khai từ năm 2016 đến năm 2018.
Trong tổng mức đầu tư của Dự án giai đoạn 2, có 2,49 triệu USD vốn dư giai đoạn I; 71,13 triệu USD vốn vay ADB và 6,72 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án sẽ tiến hành nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 217 từ K59+900 – Km104 +475 đi qua địa phận 3 huyện của tỉnh Thanh Hóa là Hà Trung, Cẩm Thủy, Bá Thước đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ 690 km/h.
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án, các hạng mục của Dự án sẽ được phân chia thành 3 gói thầu xây lắp với quy mô gói thầu dao động từ 190 tỷ đồng – 356 tỷ đồng; 8 gói thầu dịch vụ tư vấn và dịch vụ khác.
Được biết, theo quy định của ADB, ngoài các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam cũng được tham dự, nếu thỏa mãn các yêu cầu: độc lập về pháp lý và tài chính; hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; không phải là đơn vị thuộc Bộ Giao thông – Vận tải, không phải là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. ADB sẽ bác bỏ đề nghị trao hợp đồng, hủy bỏ phần vốn vay, hoặc quy định hình thức phạt cụ thể nếu bất cứ lúc nào nhà tài trợ này xác định được có các hành động tham nhũng, gian lận, thông đồng hay ép buộc liên quan đến quá trình tuyển chọn và thực hiện hợp đồng.
Trước đó, giai đoạn I của Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) phía Bắc thứ 2 - Nâng cấp quốc lộ (QL) 217 tỉnh Thanh Hóa đã được hoàn thành vào tháng 1/2016.
Dự án được khởi công từ tháng 6-2013 với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD (tương đương với khoảng 1.899 tỉ đồng) gồm 75 triệu USD vay ưu đãi từ nguồn vốn ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 22,4 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý dự án 1 (Bộ GTVT); tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát dự án là Liên danh TV Yooshin (Hàn Quốc) và Nippon Koei (Nhật Bản).
Dự án thực hiện nâng cấp 94,7km QL217 đi qua ba huyện Cẩm Thủy, Bá Thước và Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Điểm đầu của dự án tại Km104+475 (giao giữa QL217 với QL15) xã Đồng Tâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và điểm cuối tại Km195+400 cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án hoàn thành không chỉ có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam nói riêng, dự án này còn có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển chung của khu vực khi tuyến QL217 - tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam và các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn của Lào thuộc Hành lang Đông Bắc của GMS kết nối vùng đông bắc Lào với bắc Việt Nam và nối ra biển tại Thanh Hóa.
Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của Hành lang Đông Bắc GMS và để giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng biển Nghi Sơn - Thanh Hóa.