2 triệu tỷ đồng vốn rẻ, ai được vay?
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2022-2023 tương ứng với 1 triệu tỷ đồng vốn rẻ mỗi năm sẽ được bơm ra nền kinh tế. Vậy đối tượng nào sẽ được vay?
Dự thảo Nghị định quy định, đối tượng khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Danh mục và điều kiện cụ thể của các đối tượng này đang được Bộ KH&ĐT gấp rút xây dựng.
Cùng với đó là khách hàng có mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Danh mục dự án này được Bộ xây dựng soạn thảo, hướng dẫn.
Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định. Dự thảo quy định, việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023. Ngân hàng thương mại dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi NHNN và Bộ Tài chính có thông báo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Ngân hàng được tạm ứng 90% ngân sách để thực hiện cấp bù
Dự thảo Nghị định cũng quy định về trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước số tiền 40.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho Bộ Tài chính để thực hiện tạm cấp bù lãi suất, quyết toán cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Trong 5 ngày kể từ ngày kết thúc quý, ngân hàng thương mại gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý của ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại. Số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý theo quy định.
Dự thảo Nghị định đưa ra yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính theo dõi kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất và tạm cấp bù lãi suất của ngân hàng thương mại.
Khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng (bao gồm số lãi tiền vay khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và dự kiến số lãi tiền vay còn phải thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này đến ngày 31/12/2023) đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, NHNN phối hợp Bộ Tài chính có biện pháp quản lý bằng phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại đối với từng ngân hàng thương mại và thông báo cho ngân hàng thương mại để đảm bảo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định này không vượt quá 40.000 tỷ đồng. Việc phân bổ hạn mức căn cứ vào kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của từng ngân hàng thương mại.