Các công ty tài chính tiêu dùng cạnh tranh gay gắt tại từng điểm bán lẻ ở các tỉnh, trong đó có Bắc Giang |
Ngô Văn Huy (23 tuổi, Bắc Giang) vừa mua chiếc laptop hơn 13 triệu đồng và đây là món đồ đầu tiên anh mua trả góp, một hình thức mới phổ biến ở thị trấn nhỏ quê anh. Từ vài tháng nay, những tờ rơi với nội dung kiểu "cho vay tiền nhanh", "vay tiền không cần thế chấp", "vay trả góp lãi suất 0%"... bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn trên những bức tường dọc con đường của thị trấn, cạnh những cửa hàng đại lý. Bên trong các cửa hàng, trung tâm bán điện máy sầm uất cũng dán nhiều poster với lời quảng cáo mua trả góp không lãi suất.
Thực tế, hình thức cho vay này đang dần được nhiều người dân biết đến ở các tỉnh. Cùng với các cửa hàng điện máy, di động, hiện hầu hết những cái tên trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng như FE Credit, Home Credit, HD Saison, JACCS, Prudential... đều đã mở rộng mạng lưới tới các tỉnh và thậm chí đi sâu vào các xã nhỏ thay vì chỉ ở thị trấn trung tâm. Điều này cho thấy các công ty tài chính tiêu dùng đang hướng đến khai thác thị trường còn bỏ ngỏ tại các vùng nông thôn, thay vì giành giật khách hàng ở khu vực thành thị và các cụm công nghiệp - vốn đã rất khốc liệt.
Trước đây, phần lớn người dân chỉ biết vay tiền người thân, chơi "họ", cùng lắm là bước chân tới tiệm cầm đồ. Người nào làm ăn tốt, có nhiều quan hệ thì có thể vay ở các quỹ tín dụng nhân dân. Còn lại, rất ít người dám hỏi vay ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào đó.
Khu vực nông thôn - nơi mà vẫn còn 60% dân số Việt Nam đang sinh sống, do đó, theo nhiều chuyên gia, là rất tiềm năng cho mảng cho vay tiêu dùng. Bà Nguyễn Thuỳ Dương - Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính của EY Việt Nam cho rằng, mục tiêu mở rộng thị trường, tiếp cận được nhiều khách hàng mới của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ khó thành hiện thực trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Do đó, nhắm đến khu vực nông thôn có thể là một hướng đi mới, giúp các công ty tài chính gỡ được nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài.
Theo chuyên gia Trương Thanh Đức, chiến lược này cũng hợp lý trên góc độ giải quyết vấn nạn của tín dụng "đen" đang bùng phát ở các miền quê. Lãi vay tiêu dùng của công ty tài chính theo ông, dù cao hơn của ngân hàng nhưng so với tín dụng đen lại thấp hơn và ít rủi ro hơn.
"Việc cho vay hợp pháp này nếu phát triển được sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội, hạn chế được tín dụng đen", ông nói.
Dễ dàng mua được xe máy, điện thoại nhờ trả góp, tuy nhiên, không ít người dân lại đang phải chầy trật trả nợ do thiếu tính toán và kỹ năng quản lý tài chính. Một là họ không tìm hiểu kỹ hợp đồng, trong đó có nội dung rất rõ rằng, lãi suất vay tiền mặt hay vay mua trả góp của các công ty tài chính khá cao, thường từ 20% đến 50% một năm. Hai là nhiều thanh niên ở các vùng quê vay tiền nhưng lại sử dụng vào mục đích tiêu xài chứ không phải mua sắm thiết bị, làm ăn.
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý khi ký hợp đồng, người đi vay nên tìm hiểu thật kỹ về lãi suất. Cho vay tiêu dùng được phép thỏa thuận lãi suất cho vay với mỗi hồ sơ khách hàng khác nhau, tùy thuộc rất nhiều vào lịch sử tín dụng của khách hàng. Vì thế, khách hàng nên dùng quyền thỏa thuận lãi suất.
Trên thực tế, dù có ý thức đưa lãi suất xuống mức thấp nhất có thể để thu hút khách hàng vay, nhưng các công ty tài chính tiêu dùng vẫn phải duy trì mức lãi suất cao để bù đắp được các chi phí trong quá trình hoạt động và duy trì lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp chế, họ vẫn cần tư vấn cho khách hàng vay đầy đủ, trung thực những thông tin về khoản vay, lãi suất cho vay, cách tính lãi, thời gian tính lãi khi ký kết các hợp đồng tín dụng, thậm chí cũng phải chi tiết các chi phí trả nợ trước hạn, mức phạt khi các bên vi phạm hợp đồng.
Về phía khách hàng vay tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết về những kiến thức cơ bản như dịch vụ tài chính nói chung, vay tiêu dùng nói riêng. Trước khi đặt bút ký vào đơn đề nghị vay kiêm hợp đồng vay vốn, khách hàng nên hiểu rõ từng điều khoản, cũng như những điều kiện ràng buộc do bên cho vay đưa ra.