Ngân hàng - Bảo hiểm
Vay tiêu dùng rót vào xe sang, hàng ngoại: Nguy cơ biến tướng, đổ bể
Hà Tâm - 14/07/2017 08:11
Bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây, tín dụng tiêu dùng đang góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng sẽ trở thành thành nguy cơ nếu rót chủ yếu vào tiêu dùng xe sang, hàng ngoại đắt tiền, hay những người vay “ảo” ở các công ty bất động sản.

Khuyến khích vay tiêu dùng để đầu tư hay chỉ để tiêu xài?

Việt Nam có thể được coi là một quốc gia tiêu dùng. Con số thống kê của ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) đưa ra tại Tọa đàm “Phát triển tài chính bán lẻ: Cơ hội thúc đẩy tiêu dùng - phục vụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam” do Báo Đầu tư vừa tổ chức cho thấy, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao và hiện ở mức 78,34% (năm 2016). Tỷ lệ này của Việt Nam đang cao nhất châu Á và cao hơn cả Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu.

Tọa đàm trực tuyến về tài chính tiêu dùng do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Chí Cường

Thực tế, tín dụng tiêu dùng đang được coi là động lực mới của tăng trưởng, bởi tiêu dùng tăng sẽ kích thích sản xuất - kinh doanh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, tín dụng tiêu dùng ở nước ta mới chiếm 10 - 11% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Trung Quốc (19%), ASEAN 5 (35%), Mỹ (51%).

Theo ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison, gần 10 năm qua, hệ thống tài chính - ngân hàng mới phục vụ được 1/4 - 1/3 tổng lượng khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng (những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, tác động của vay tiêu dùng với người đi vay là rất lớn, thậm chí có thể thay đổi hẳn cuộc sống vật chất và tinh thần của họ. Thậm chí, với người dân nông thôn, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là tư liệu sản xuất, kinh doanh.

Thế nhưng, dòng chảy của tín dụng tiêu dùng cũng đang gây nhiều lo ngại. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cảnh báo về một thực tế đáng lo: tâm lý sính ngoại khiến không ít người đi vay tiêu dùng để tiêu thụ hàng xa xỉ như xe sang, điện thoại cao cấp… và nếu không giám sát chặt, thì sẽ gây ra đổ bể.

Theo chuyên gia này, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của nước ta hiện nay (78,34%) là quá cao, trong khi tiết kiệm chỉ ở mức 22%. Hơn nữa, việc tỷ trọng này của Việt Nam cao hơn Mỹ, châu Âu là điều không bình thường. Chưa kể, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng có hiện tượng biến tướng.

Đồng tình với ý kiến trên, từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, quan điểm của NHNN là khuyến khích sự phát triển của các công ty tài chính và tín dụng tiêu dùng, song phải phát triển bền vững, chứ không phải là tăng trưởng nóng, dẫn tới nguy cơ đổ vỡ. Cụ thể, NHNN khuyến khích tín dụng tiêu dùng nhằm cả mục đích đầu tư, chứ không chỉ phục vụ tiêu xài.

Tập trung thành thị, bỏ trống nông thôn

Theo đánh giá của các chuyên gia, đa phần ngân hàng, công ty tài chính ở nước ta vẫn tập trung hoạt động ở khu vực thành thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn mới là địa bàn tập trung nhiều đối tượng “dưới chuẩn” nhất. Đây cũng chính là những đối tượng rất cần tín dụng tiêu dùng chính thức.

Điều đặc biệt nữa là, đối với địa bàn nông thôn, vay tiêu dùng tập trung phục vụ rất nhiều vào mục đích sản xuất, phục vụ tăng trưởng, người dân nông thôn ít có thói quen vay để tiêu xài, mà chủ yếu để mua những vật dụng thiết yếu, từ đó kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, định hướng thời gian tới, các công ty tài chính tiêu dùng, các tổ chức tài chính vi mô cần tập trung về địa bàn nông thôn.

Bà Nguyễn Phương Thanh, Chủ nhiệm cao cấp Bộ phận Tư vấn dịch vụ ngân hàng - tài chính (Ernst & Young Việt Nam) cho rằng, mức độ phủ sóng của dịch vụ ngân hàng ở nông thôn của Việt Nam còn rất thấp. Nhiều nước có điều kiện tương tự Việt Nam, có tỷ lệ dân số sống ở nông thôn lớn như Việt Nam, đã có nhiều sáng kiến phát triển tín dụng tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Ví dụ, tại Tazania và Ấn Độ, các công ty tiếp cận thị trường nông thôn bằng cách sử dụng các nhân viên bán hàng tại địa phương, bởi chỉ có họ mới hiểu đặc điểm, thị hiếu và thói quen của người địa phương đó. Hay như mô hình tổ tự quản tại Ấn Độ, Bangladesh…

Tất nhiên, đối với thị trường nông thôn, ngoài việc quản lý rủi ro tín dụng, để đảm bảo hiệu quả cho vay tiêu dùng còn phải đi kèm chương trình đào tạo về các sản phẩm nông nghiệp cho người dân, phối hợp với các cơ quan khác để đảm bảo đầu ra cho người dân.

Ông Đàm Thế Thái thừa nhận, thị trường nông thôn phải là thị trường chính của các công ty tài chính vì thị trường thành thị gần như là thị trường của các ngân hàng. Do đó, các công ty tài chính sẽ phải sớm chuyển hướng sang thị trường nông thôn.

Dĩ nhiên, phát triển tài chính tiêu dùng tại thị trường nông thôn không thể phụ thuộc vào công ty tài chính hay ngân hàng, mà cần sự tham gia của tổng hợp nhiều định chế tài chính khác nhau như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại…

Ý kiến – Nhận định 

Giám sát tín dụng tiêu dùng để tránh biến tướng.
(TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế)
Hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu là mua nhà và ô tô, nhưng một số tập đoàn bất động sản biến tướng cho cán bộ, nhân viên vay mua nhà của chính mình, nên không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường. Do đó, cần giám sát tín dụng tiêu dùng để tránh biến tướng, đảm bảo loại hình tín dụng này phát triển một cách bài bản, bền vững.

Tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số.
(Ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị FE Credit)
Chúng tôi tin rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số trong thời gian tới vì Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ lớn. Hiện có khoảng 30 triệu khách hàng trong độ tuổi lao động không đủ điều kiện thế chấp ngân hàng, đa phần là công nhân, tiểu thương, nếu không có công ty tài chính, họ sẽ phải tìm đến kênh tín dụng đen. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng chủ yếu mới chỉ tập trung ở khu vực thành thị. Thời gian tới, hoạt động này có thể sẽ mở rộng ra thị trường nông thôn.

Cần một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
(TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế)
Phát triển tín dụng tiêu dùng ở nông thôn rất quan trọng, cần sự tham gia của nhiều loại hình, nhiều định chế tài chính khác nhau. Do đó, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó có việc thực hiện tốt Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (theo Quyết định 1726/QĐ-TTg năm 2016).

Tin liên quan
Tin khác