Hai bên cũng ký cam kết thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển đổi mới Công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) tại Cần Thơ.
Dự kiến, Trung tâm Nghiên cứu ICT sẽ được thành lập vào tháng 3/2017, bao gồm 10 doanh nghiệp Nhật Bản ( có 3 công ty niêm yết sàn chứng khoán Nhật Bản) kinh doanh trong các lĩnh vực về lập trình phần mềm, công nghệ thông tin truyền thông (ICT), Internet vạn vật (IoT), giáo dục, y tế, tư vấn, xử lý tái chế, khảo sát địa chất xây dựng.
Chương trình xúc tiến Thương mại - Đầu tư sẽ được mở đầu bằng chương kết nối giao thương tìm hiều thông tin lẫn nhau giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó đối tượng hỗ trợ chính là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cần Thơ và Nhật Bản.
Ông Võ Hùng Dũng và ông Kondo ký kết hợp tác. |
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, doanh nghiệp Nhật Bản không những có trình độ công nghệ cao, bề dày kinh nghiệm mà còn rất thận trọng trong quyết định đầu tư, nhất là đầu tư ra nước ngoài. Đơn cử như việc một doanh nghiệp Nhật muốn mở nhà hàng ở Cần Thơ thì phải mất 3 năm để tìm hiểu thị trường, khi quyết định đầu tư thì gần như nắm chắc phần thắng.
"Chính tính cẩn thận, cần cù và tâm huyết với công việc của người Nhật đã làm nên thành công cho đất nước này, do đó chúng ta có thể đặt niềm tin cao và những dự án hợp tác cùng đối tác, doanh nghiệp đến từ quốc gia này”, ông Dũng kỳ vọng.
Ông Kondo, Chủ tịch Brain Works chia sẻ, TP.Cần Thơ có nhiều điểm tương đồng với thành phố quê hương ông đang sinh sống nên khi ở Cần Thơ ông có cảm giác như được ở nhà mình, đây cũng là một lý do để ông quyết định hợp tác đầu tư vào Cần Thơ. Hơn nữa, Cần Thơ, vùng ĐBSCL là một trung tâm nông nghiệp lớn của Việt Nam với tiềm năng về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng ít nơi nào có được. Bản thân ông cũng xuất thân từ nông dân nên rất am hiểu và yêu quý sản phẩm nông sản được làm ra từ chính bàn tay cần cù của người nông dân.
“Brain Works với TP.Cần Thơ bên cạnh mục đích kinh tế còn mong muốn góp phần nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập cho người nông dân tại đây” ông Kondo bộc bạch.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, việc VCCI Cần Thơ hợp tác xúc tiến thương mại - đầu tư và thành lập Trung tâm nghiên cứu ICT tại Cần Thơ là một tin vui không chỉ với Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBSCL, đây sẽ là một bước ngoặc lớn góp phần đẩy mạnh thu hút vốn FDI Nhật Bản, phát triển công nghệ thông tin truyền thông tại khu vực này.
Theo số liệu của VCCI Cần Thơ: Hiện tại, vốn FDI Nhật Bản đạt trên 40 tỷ USD đứng thứ hai trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng khu vực ĐBSCL thu hút được 140 dự án với vốn đăng ký hơn 645 triệu USD. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong thời gian gần đây vốn FDI vào khu vực này có chiều hướng tăng mạnh, trong 9 tháng đầu năm nay, đã thu hút thêm 12 dự án mới với vốn đăng ký gần 25 triệu USD.