Theo quy định, ngày 1/7/2021 là hạn cuối các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải hoàn tất lắp đặt camera giám sát hành trình. |
Theo Nghị định 10/2010/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các loại ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Quy định yêu cầu thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.
Cụ thể, Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Điều 8 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) đã yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình đảm bảo quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống của xe.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải, VCCI đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vận tải và đề nghị xem xét lại thời hạn thực hiện quy định này.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp khó không chỉ bởi lý do trên.
VCCI cho rằng, quy định này đang có sự trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau.
Mặt khác, bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn của lái xe. “Do đó, có thể thấy, việc yêu cầu lắp camera tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp”, VCCI nhận định trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải.
Theo phản ánh của một số hiệp hội vận tải, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lắp camera để phục vụ cho hoạt động quản lý doanh nghiệp, nhưng các camera này có nguy cơ phải tháo ra để lắp camera mới để nhằm đảm bảo khả năng truyền dẫn dữ liệu. Đương nhiên, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu chi phí mới phát sinh và khoản đã đầu tư trở nên lãng phí.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang lúng túng trong việc lựa chọn loại camera phù hợp với yêu cầu về truyền dẫn, vì chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn về việc này
Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19, theo VCCI, quy định cần được xem xét cẩn trọng.
Trước mắt, VCCI đề nghị lùi thời hạn bắt buộc phải lắp camera sang ngày 1/7/2022.
Cùng với đó, VCCI cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá tác động của quy định việc yêu cầu lắp camera và điều chỉnh cơ chế quản lý phù hợp đối với vận tải bằng ô tô theo hướng tránh trùng lặp về các mục tiêu quản lý đối với các biện pháp quản lý đang áp dụng cho ngành nghề kinh doanh này và giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm hành chính về lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10 và Thông tư số 12 đến ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng trả lời, sẽ không lùi thời hạn thực hiện quy định về lắp đặt camera giám sát hành trình trên ô tô kinh doanh vận tải.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!