Doanh nghiệp
Vẽ lại bản đồ ngành xi măng qua M&A
Thế Hoàng - 10/12/2021 14:28
Sự phân mảnh, nhiều đầu mối trong ngành xi măng đang dần được thu gọn hơn cùng với việc gia tăng các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
Ảnh minh họa

Theo hướng tập trung hơn

Trong 10 năm trở lại đây, ngành xi măng có hơn chục thương vụ M&A đình đám, phần nào vẽ lại bản đồ ngành theo hướng tập trung hơn, từ chỗ có quá nhiều đầu mối, nhiều doanh nghiệp. Ngoài Vicem - doanh nghiệp có vốn nhà nước sở hữu 10 công ty thành viên, công suất trên 30 triệu tấn/năm, thị trường xuất hiện các tập đoàn, doanh nghiệp sở hữu các dây chuyền sản xuất quy mô hàng chục triệu tấn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 tập đoàn lớn của Thái Lan là Siam City Cement (SCCC) và SCG đã nắm trong tay một loạt doanh nghiệp xi măng Việt Nam nhờ M&A. Đình đám nhất là vụ SCCC mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam (trị giá 580 triệu USD) từ LafargeHolcim (Thụy Sỹ) và đổi tên thành Insee. Insee hiện có công suất trên 6 triệu tấn/năm, với 5 nhà máy xi măng và các trạm trộn bê tông hiện đại tại TP.HCM.

Tập đoàn lớn nhất Thái Lan là SCG vào Việt Nam từ sớm và nhanh chóng mở rộng phạm vi kinh doanh cũng nhờ M&A. Thương vụ đầu tiên của SCG là mua Xi măng Bửu Long (Đồng Nai), sau đó mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông hiện tại của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM), công suất trên 3,1 triệu tấn/năm tại miền Trung. Sau giao dịch này, tổng công xuất xi măng của SCG trong khối ASEAN (không bao gồm 23 triệu tấn ở Thái Lan) tăng lên 10,5 triệu tấn.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, cục diện ngành xi măng đã thay đổi thông qua việc thu hẹp các doanh nghiệp sở hữu dây chuyền xi măng, giảm bớt các nhà máy nhỏ, công nghệ lạc hậu nhờ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đẩy mạnh M&A, tăng sở hữu. Từ đó, những doanh nghiệp xi măng công suất lớn được định hình, tăng tính tập trung hóa, được đầu tư chuyển đổi công nghệ… 

Cuối năm 2018, Tập đoàn YTL của Malaysia chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Xi măng Fico (Tây Ninh), đổi tên thành Fico - YTL. Fico - YTL đang sở hữu Nhà máy Xi măng Tây Ninh công suất 1,4 triệu tấn clinker và 1 triệu tấn xi măng/năm, Trạm nghiền Xi măng Hiệp Phước công suất 900.000 tấn xi măng/năm, Trạm nghiền Xi măng Bình Dương công suất 300.000 tấn xi măng/năm.

Nhà máy xi măng Minh Tâm công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm tại xã Minh Tâm (huyện Hớn Quảng, Bình Phước) cho Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành Bình Phước với giá gần 600 tỷ đồng.

Thay đổi để cạnh tranh hiệu quả hơn

Ngành xi măng Việt Nam hiện có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 107 triệu tấn (tính theo 80% clinker + 20% phụ gia), công suất thực tế có thể đạt khoảng 130 triệu tấn xi măng (70% clinker + 30% phụ gia). Sản lượng xi măng được phân bổ ở các nhà máy sản xuất clinker và 80 trạm nghiền trên cả nước.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, ngành xi măng đã có một bước chuyển tích cực sau một thời gian “ngấm đòn” thua lỗ do nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chọn xi măng để đầu tư trái ngành. Nhiều doanh nghiệp đã thoát phá sản nhờ M&A, giảm được hiệu ứng tiêu cực trong ngành.

Cơ cấu nguồn vốn các doanh nghiệp xi măng đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Sau giai đoạn 2005 - 2010 nợ vay nước ngoài (chủ yếu là nợ vay EUR) tăng mạnh do biến động tiêu cực của tỷ giá EUR/VND, các doanh nghiệp đã tích cực giảm nợ và tái cơ cấu nguồn vốn hoạt động từ năm 2010 nhờ diễn biến tỷ giá ngoại tệ dần bình ổn và thị trường tiêu thụ xi măng hồi phục. Từ mức vay nợ toàn ngành cao kỷ lục vào năm 2011 (nợ/tổng tài sản toàn ngành khoảng 72%) với dư nợ ngoại tệ chiếm đến 80% tổng vay nợ, hiện tại, mức vay nợ toàn ngành chỉ còn khoảng 28% tổng tài sản, với chưa đến 3% là nợ vay ngoại tệ.

Dù vậy, trong tổng thể chung của ngành xi măng, việc quy tụ để giảm bớt phân mảnh vẫn cần được tiếp tục để hoạt động thực chất hơn. Công ty cổ phần Chứng khoán FPTS cho hay, ngành vẫn còn khoảng 60 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp địa phương quy mô rất nhỏ, công suất dưới 1 triệu tấn, cạnh tranh kém.

Dư thừa công suất vẫn là vấn đề lớn của ngành xi măng, tạo sức ép cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. Ba năm qua, tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt ngưỡng 63-65 triệu tấn/năm. Khó khăn từ tình hình tiêu thụ bão hòa và dư thừa công suất dẫn tới áp lực cạnh tranh gay gắt, buộc các doanh nghiệp phải đi sâu vào cải tiến về công nghệ và kỹ thuật sản xuất.

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay, M&A từ vài năm trước đã được xem như một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp hoàn chỉnh hệ sinh thái, vươn rộng địa bàn sản xuất để chiếm lĩnh thị trường tại các địa bàn trọng điểm trong nước và hướng ra xuất khẩu.

Đơn cử, với việc mua lại Xi măng Đô Lương (nay là Sông Lam), The Vissai đã biến khu vực nhà máy này thành đại công trường, với 2 giai đoạn đầu tư: giai đoạn I đã hoàn thành với công suất hơn 4 triệu tấn, đang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất khả quan; giai đoạn II với công suất 3,5 triệu tấn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

The Vissai cũng đầu tư xong Cảng biển quốc tế Vissai tại Nghi Thiết, Đô Lương, Nghệ An, ngay sát Nhà máy Xi măng Sông Lam, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất khẩu và cả nhập khẩu của Tập đoàn. Hiện The Vissai là nhà sản xuất xi măng tư nhân có quy mô công suất khoảng 15 triệu tấn/năm.

Tin liên quan
Tin khác