Gần một nửa cổ phiếu trong số đó đã “nằm trong túi” của công ty này.
4 dự án đều được thực hiện tại Hà Nội, có tổng mức đầu tư hơn 78.743 tỷ đồng (tương đương 3,4 tỷ USD). |
Bốn đại dự án tỷ đô
VEFAC vừa có tờ trình lấy ý kiến bằng văn bản, đề nghị Đại hội đồng cổ đông xem xét, phê duyệt và thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án do Công ty làm chủ đầu tư.
Theo tờ trình, 4 dự án này đều được thực hiện tại Hà Nội, có tổng mức đầu tư hơn 78.743 tỷ đồng (tương đương 3,4 tỷ USD), trong đó vốn chủ đầu tư là 12.683 tỷ đồng, số còn lại sẽ huy động bên ngoài từ vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác.
Trong đó, Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và Khu đô thị mới Đông Anh có tổng vốn đầu tư lần lượt là 7.336 tỷ đồng và 34.879 tỷ đồng. Mặc dù được tách thành 2 dự án riêng biệt, nhưng cả 2 dự án này sẽ nằm trong một quần thể chung tại các xã Đông Hội, Xuân Canh và Mai Lâm (huyện Đông Anh), được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 19/6/2020.
Hai dự án trên chiếm quá nửa tổng mức đầu tư của 4 dự án. Dự kiến, Dự án Trung tâm hội chợ sẽ khởi công vào quý IV/2020, hoàn thành vào quý III/2024; Dự án Khu đô thị thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025.
Bên cạnh quần thể tại Đông Anh, VEFAC cũng xin ý kiến cổ đông về 2 dự án còn lại là Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long (các phường Mễ Trì, Trung Văn, Phú Đô thuộc quận Nam Từ Liêm) và Tổ hợp Trung tâm Dịch vụ thương mại và Nhà ở tại 148 - Giảng Võ, quận Ba Đình (Vinhomes Gallery).
Việc triển khai 2 dự án này nhằm tạo nguồn vốn để xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chủ đầu tư không đưa ra tiến độ cụ thể cho 2 dự án này, mà chỉ khẳng định sẽ “thực hiện theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Năm 2016, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đã được động thổ và tính đến ngày 30/6/2020, tổng chi phí xây dựng được ghi nhận là 726,8 tỷ đồng. Đối với dự án 148 - Giảng Võ, chi phí xây dựng được VEFAC ghi nhận là 148,8 tỷ đồng.
VEFAC từng là doanh nghiệp nhà nước chuyên tổ chức và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hội chợ, triển lãm tại Hà Nội. Năm 2015, Công ty được cổ phần hóa và hiện Nhà nước chỉ còn nắm giữ 10% vốn điều lệ thông qua Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hơn 83% cổ phần còn lại do Tập đoàn Vingroup nắm giữ.
Do đó, việc xin ý kiến cổ đông lần này của VEFAC có thể hiểu là mang tính thủ tục nhằm hoàn thiện hồ sơ cần thiết, chuẩn bị cho việc triển khai 4 dự án nói trên.
Vốn đầu tư từ đâu?
Sau khi cổ phần hóa, VEFAC vẫn duy trì hoạt động trong lĩnh vực tổ chức hội chợ, triển lãm. Năm 2019, Công ty tổ chức 3 cuộc hội chợ thường niên tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội (Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp, Hội chợ Thời trang và Hội chợ Xuân). Bên cạnh đó, Công ty cũng tham gia đấu thầu và trúng thầu tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền 2019 do UBND TP. Hà Nội chủ trì.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi này không thực sự đem lại hiệu quả, khi lợi nhuận gộp giai đoạn 2016 - 2019 của VEFAC đều ghi nhận lỗ, bởi giá vốn luôn cao hơn doanh thu thuần. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh chung vẫn đạt hiệu quả, chủ yếu là nhờ ghi nhận doanh thu tài chính hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây là phần lãi cho vay từ số tiền gần 1.000 tỷ đồng của Công ty có được sau khi cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, trước khi tiến hành thủ tục xin ý kiến cổ đông nói trên, Vingroup và VEFAC đã có nhiều động thái chuẩn bị cho việc triển khai các dự án này.
Đáng chú ý, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tổ chức giữa tháng 6/2020 của VEFAC, ông Trần Lê Phương đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thay bà Lý Hoa Liên (Tổng giám đốc). Ông Trần Lê Phương được biết đến là người có nhiều năm công tác tại Vingroup và từng giữ chức Phó tổng giám đốc của VinFast.
Cũng tại đại hội này, các cổ đông của VEFAC đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành bằng mệnh giá (tương ứng 11.028 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ cho Công ty.
Dù đợt tăng vốn chưa tiến hành, nhưng theo Báo cáo tài chính quý II/2020 của VEFAC, Vingroup đã ứng trước cho VEFAC 4.900 tỷ đồng vào ngày 15/6/2020 nhằm góp vốn theo phương án tăng vốn. Khoản vốn góp này kéo tài sản của Công ty tăng đột biến từ gần 1.900 tỷ đồng lên 6.800 tỷ đồng. Khoản tiền này đã được VEFAC gửi kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng với lãi suất 4,2 - 4,25%.