Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thẩm tra |
Chia sẻ việc khó chưa có tiền lệ
Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Tổng thể quốc gia) sẽ là nội dung quan trọng nhất tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, nếu kỳ họp này được tổ chức, dự kiến từ ngày 5-10/1/2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “mở đường” như thế để có thể ban hành Quy hoạch Tổng thể quốc gia không muộn nhiều so với yêu cầu của Quốc hội. Nhưng để được trình ra Quốc hội, công trình này buộc phải qua được cửa của cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên thẩm tra diễn ra cuối tuần qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2022 có thể không hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch, nhưng phải xong Quy hoạch Tổng thể quốc gia để định hướng, dẫn dắt cho các quy hoạch cấp dưới.
“Nhiều quy hoạch khác đang chờ Quy hoạch Tổng thể quốc gia, nên việc thông qua Quy hoạch này là hết sức quan trọng, cấp bách”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, Quy hoạch Tổng thể quốc gia là vấn đề phức tạp, rất khó, hồ sơ lên tới cả ngàn trang. Chính vì thế, Ủy ban Kinh tế của Quốc đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, ngay từ khi chưa có hồ sơ chính thức, mới chỉ có hồ sơ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Ủy ban đã gửi dự thảo đến các cơ quan của Quốc hội và các chuyên gia để cho ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hồ sơ gửi sang Ủy ban Kinh tế mới chỉ là 50% tư liệu, bản thân bản Quy hoạch Tổng thể quốc gia đã 900 trang.
Với sự tham gia của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Hà Nội, Hà Tĩnh, phiên thẩm tra kéo dài từ 8h sáng đến tận 12h30. Còn nhiều băn khoăn, còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, song 100% các ý kiến phát biểu đều đánh giá hồ sơ đã được Chính phủ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ quá khó, chưa từng có tiền lệ, nên cần tập trung hoàn thiện để khi trình Quốc hội thì tương đối rõ hình hài đến năm 2030 và đến năm 2050 không gian phát triển của đất nước sẽ thế nào.
Thông tin tóm tắt từ Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho thấy, 10 nội dung chủ yếu của Quy hoạch Tổng thể quốc gia gồm: quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển; mục tiêu phát triển; tầm nhìn đến 2050; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; giải pháp nguồn lực thực thực hiện.
Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD,
Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Không khái quát quá, cũng không thể chi tiết quá
Góp ý vào từng nội dung, bên cạnh quan điểm nhiều vấn đề cần chi tiết hơn, một số vị đại biểu lại cho rằng, Quy hoạch Tổng thể quốc gia là quy hoạch lớn, nên cần đưa ra quan điểm lớn hơn.
Cho biết băn khoăn lớn nhất về mức độ chi tiết của Quy hoạch Tổng thể quốc gia, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ông Phan Đức Hiếu đề nghị, Chính phủ cần nêu rõ mức độ chi tiết về định hướng quốc gia trong so sánh với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, cũng như đối chiếu với các quy hoạch khác.
So sánh với các quy hoạch khác, ông Hiếu nói, trong quy hoạch này nói rõ so sánh với hạ tầng của Hà Nội, TP.HCM, thậm chí là mối quan hệ với các đường vành đai 3,4, chỉ ra các công trình cụ thể. “Thay vì nói đường sắt tốc độ cao, khẩn trương hoàn thành sân bay Long Thành, đường vành đai…, thì nên thể hiện là thực hiện kết nối tốt hơn giao thông giữa vùng này với vùng kia”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến lại cho rằng, cần cụ thể hơn về địa chỉ, địa danh, quy mô, tránh cách thể hiện như định hướng chiến lược. “Ví dụ, công trình lớn về giao thông thì cần thể hiện điểm đầu, cuối, quy mô tuyến. Hay đường sắt cao tốc thì 1 tuyến hay 2 tuyến, khổ bao nhiêu..., phải chi tiết hơn chiến lược phát triển”, ông Tiến đề nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cơ quan trình Quy hoạch Tổng thể quốc gia cần rà soát thể hiện đầy đủ, đúng thực trạng việc tổ chức không gian phát triển của đất nước để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch và cùng với cơ quan thẩm tra đưa vào Nghị quyết của Quốc hội các định hướng, giải pháp cụ thể để bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước.
“Cần xác định mức độ thể hiện các nội dung trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia để không tự bó cứng trong quá trình thực hiện nhưng phải cụ thể đạt được mức độ là căn cứ, định hướng cho quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch Tổng thể quốc gia không chồng lấn vào phạm vi của các quy hoạch cấp dưới, nhưng phải cụ thể, chi tiết đủ để làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch cấp dưới”, Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Ba lần nhấn mạnh phải xác định rõ ràng, tập trung bố trí không gian phát triển là chủ yếu, ông Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý cơ quan trình rằng, các ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội, của cơ quan thẩm tra phải được rà soát kỹ lưỡng, theo nguyên tắc nếu không giải trình phù hợp thì phải tiếp thu.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày, Quy hoạch Tổng thể quốc gia là vấn đề vừa mới vừa khó, nên cơ quan xây dựng cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. “Ngay từ khi bắt đầu làm, cơ quan soạn thảo đã hết sức chú trọng tham vấn ý kiến, cả chuyên gia trong và ngoài nước, tiếp thu hết sức cầu thị. Thậm chí, còn hỏi cả chuyên gia quốc tế xem có khả năng thuê họ xây dựng không, thì cũng không tìm được ai làm cả, họ chào thua hết”, ông Phương nói.
Hồi âm băn khoăn của đại biểu về mức độ thông tin chi tiết đến đâu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, câu hỏi luôn thường trực trong đầu Ban soạn thảo, trăn trở rất nhiều và hiện nay đang thể hiện ở khoảng giữa, không khái quát quá nhưng cũng không thể chi tiết quá.
Thứ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp thu ở ba cấp độ. Ý kiến nào tiếp thu được ngay thì sẽ báo cáo Chính phủ tiếp thu để hoàn thiện Quy hoạch. Cấp độ hai là không tiếp thu được thì giải trình. Cấp độ thứ ba là tiếp thu rồi hướng dẫn cho việc lập quy hoạch cấp dưới.
Lưu ý thời gian để hoàn thiện còn rất ngắn, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan trình và các cơ quan tham gia thẩm tra nỗ lực cao nhất, tất cả vì một Quy hoạch Tổng thể quốc gia chất lượng nhất.
Bắt đầu từ đích đến.
- Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Để có một bản Quy hoạch Tổng thể quốc gia mạch lạc hơn, thì có thể suy nghĩ theo cách bắt đầu từ đích đến, rồi quy ngược trở lại xem cần làm những việc gì để đạt đích đó. Hiện Quy hoạch đang xác định rất rõ đến năm 2030 thì GDP là bao nhiêu và thu nhập bình quân khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 thì thu nhập bình quân khoảng 24.000 - 28.000 USD để đạt được mục tiêu phát triển. Với tổng GDP phân bổ cho các ngành thì ở mỗi ngành sẽ định hình đóng góp cho GDP bao nhiêu. Từ đích đến đó quay ngược lại hình dung ra được với mỗi ngành cần nguồn lực thế nào, đất đai bao nhiêu, cần quy hoạch ở đâu và ai sẽ làm...
Cách như vậy sẽ mạch lạc hơn và có tính logic cao hơn. Ở đây, Quy hoạch Tổng thể quốc gia đề cập rất đầy đủ rồi, nhưng khi xem vào đôi lúc tương đối rối, không định hình được rõ cái nào trước, cái nào sau, cái nào ưu tiên, cái nào hỗ trợ.