Nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia
Trong những năm vừa qua, với chính sách mở cửa thị trường, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, thị trường viễn thông đặc biệt là thị trường viễn thông di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông nói riêng và của nền kinh tế - xã hội của nước ta nói chung.
Hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 120 triệu và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới.
Cùng với sự phát triển về số lượng thuê bao và thiết bị đầu cuối (với sự phát triển bùng nổ của các thiết bị smart phone), các loại hình dịch vụ dựa trên nền tảng di động cũng đang phát triển không ngừng và được sử dụng một cách rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, điển hình như các dịch vụ: mobile Internet, mobile banking, smart home,… đã cho phép người dùng có thể sử dụng điện thoại di động có gắn SIM thuê bao để có thể thanh toán các giao dịch mua bán, điều khiển các thiết bị điện tử từ xa một cách dễ dàng, thuận tiện.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, ứng dụng di động cũng đã phát sinh nhiều nguy cơ trở thành công cụ phương tiện vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong đó đặc biệt có thể kể đến các vụ tấn công khủng bố tại nhiều quốc gia như Pháp, Thái Lan. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng các SIM thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật (đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo,…).
Trong các trường hợp này, nếu các SIM thuê bao có thông tin chính xác thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số hơn 80 quốc gia trên thế giới (Đức, Thụy Sỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, …) đã có những quy định quản lý về thông tin thuê bao nhằm bảo đảm tối đa tính chính xác của thông tin thuê bao.
Bằng chứng xác thực nhất
Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến thông tin này, đặc biệt việc chụp ảnh này đã có quốc gia nào quy định tương tự chưa? Ngoài nội dung này sau khi triển khai Nghị định, việc đăng ký thông tin thuê bao sẽ được thực hiện như thế nào?
Theo đó, Nghị định quy định rõ, về thủ tục, người sử dụng sẽ không phải tự điền bản khai đăng ký thông tin thuê bao như trước đây mà chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân; nhân viên giao dịch của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (CCDVVT) sẽ làm phần còn lại.
Thủ tục đơn giản hơn, nhanh hơn; đặc biệt khi các doanh nghiệp viễn thông áp dụng các ứng dụng CNTT.
Đối với thông tin thuê bao của thuê bao di động, Nghị định đã yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm CCDVVT cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao.
Ngoài ra, việc thực hiện điều này là hoàn toàn khả thi trong thực tế hiện nay, tương tự như khi đi làm giấy tờ cá nhân khác (bằng lái xe, giấy chứng minh nhân dân), khi doanh nghiệp có thể sử dụng điện thoại thông minh, webcam, camera phù hợp và có thể thực hiện rất đơn giản, nhanh gọn.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử như Mỹ, Đức, Nhật, … và mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp phải đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.
Ở các nước như Thái Lan, Pakistan gần đây đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao với chi phí rất cao và thủ tục phức tạp hơn rất nhiều so với việc chụp ảnh.
Do vậy, theo các nhà cung cấp dịch vụ, mong muốn nhận được sự ủng hộ, hợp tác của người dân, xã hội trong việc triển khai thực hiện các quy định có liên quan.
Hiện nay, việc mua bán SIM thuê bao có thể thực hiện ở mọi nơi (từ hàng nước, tiệm tạp hóa cho đến siêu thị) rồi mới đến điểm đăng ký thuê bao để đăng ký thông tin và yêu cầu kích hoạt sử dụng dịch vụ.
Trong khi, về bản chất, SIM thuê bao (đã gắn số điện thoại) là một phần của dịch vụ viễn thông mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Ngoài ra, theo các quy định hiện hành, SIM thuê bao cũng chỉ được kích hoạt sau khi người sử dụng đã đăng ký thông tin thuê bao và doanh nghiệp đã lưu giữ thông tin thuê bao, nên không có lý do gì lại phải mua SIM ở một nơi rồi sau đó đến điểm đăng ký thông tin thuê bao để đăng ký.
Trên thế giới, đa số các nước chỉ cung cấp SIM cho người sử dụng sau khi người sử dụng đã xuất trình giấy tờ tùy thân để doanh nghiệp trích xuất, lưu trữ thông tin.
Tăng cường trách nhiệm
Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các Sở Thông tin và Truyền thông tại các tỉnh, thành phố và chính các doanh nghiệp viễn thông di động nghiên cứu nguyên nhân cũng như tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề thông tin thuê bao không chính xác, SIM rác bày bán tràn lan mặc dù đã có nhiều quy định của pháp luật,.
Kết quả cho thấy nguyên nhân trực tiếp của các sai phạm này chủ yếu là việc thực hiện không nghiêm túc của các điểm đăng ký thông tin thuê bao (mà chủ yếu là điểm đăng ký thông tin thuê bao ủy quyền của các cá nhân).