Ngay khi lên sóng tập đầu, bộ phim hình sự 46 tập Người phán xử của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam đã lập tức gây bão. Chỉ tính riêng trên mạng xã hội Youtube, trung bình mỗi tập phim thu hút 3 triệu lượt xem, con số thường chỉ gặp ở các MV ca nhạc nổi tiếng. Các câu thoại của phim tràn ngập mạng xã hội như một trào lưu thực thụ.
Thông minh từ khâu kịch bản
Nhiều khán giả đã lầm tưởng Người phán xử lấy ý tưởng từ siêu phẩm Bố già của điện ảnh Mỹ cho rằng, Phan Quân, Phan Hải, Lê Thành là phiên bản Việt của những: Vito, Santino, Michael Corleone. Nhưng kì thực, kịch bản gốc của Người phán xử xuất phát từ bộ phim tội phạm Israel có tên Ha-Borer hay The Abitrator (cũng có nghĩa là Người phán xử).
Đây là lựa chọn khôn ngoan của đoàn làm phim. Bởi dù xuất sắc đến đâu, một bộ phim điện ảnh cũng không thể dàn trải thành hàng chục tập phim truyền hình. 157 phút bản gốc của Bố già nếu cố co kéo thành 30-40 tập phim sẽ khiến kịch bản bị pha loãng, tràn ngập các tình tiết, nhân vật dư thừa. Đó là chưa kể sống dưới cái bóng “Bố già bản Việt”, phim sẽ luôn chịu sức ép chất lượng rất nặng nề.
Trong khi đó, Ha-Borer lại tuyệt nhiên không phải là một bộ phim xoàng. Ra mắt năm 2007, kết thúc năm 2011, phim trở thành biểu tượng truyền hình Israel với hơn 6 tỉ lượt xem trên toàn thế giới. Nội dung đầy đặn, kéo dài 4 phần phim (46 tập) vừa khít với nhu cầu phát sóng ở Việt Nam. Tinh hoa của điện ảnh Israel rõ ràng là sự lựa chọn vô cùng hợp lý.
Tuy nhiên, vay mượn không có nghĩa là sao chép toàn bộ. Bộ phim được gửi gắm vào tay biên kịch Nguyễn Trung Dũng, người từng chắp bút trong nhiều phim của loạt Cảnh sát hình sự nổi tiếng, hay bộ phim Mạch ngầm vùng biên ải (2015) rất thành công gần đây. Theo đó, kịch bản gốc đã có những điều tiết phù hợp khi về Việt Nam. Bối cảnh xã hội đen phương Tây được thay thế bằng thế giới ngầm vùng biên ải. Thậm chí, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc sản xuất của phim, đoàn làm phim đã phải đưa vào đó bóng dáng tập đoàn tội phạm Năm Cam, tạo ra không khí hình sự đậm chất Việt Nam.
Hệ thống nhân vật đặc sắc
Trước đây, các ông trùm thường được gói gọn trong một vài kiểu lặp đi lặp lại. Hoặc là tội phạm cổ cồn trí thức cao có vẻ ngoài đểu cáng (Cán bộ Lê Hải - diễn viên Tùng Dương - trong Mạch ngầm vùng biên ải), hoặc ông trùm mặt hồ ly, hiền lành nhưng nguy hiểm ngấm ngầm (Lão Phật gia - diễn viên Tùng Yuki thủ vai trong Bí mật Tam Giác Vàng). Phan Quân được tạo hình khác hẳn. Cũng trí thức, nhưng không hề đểu giả; cũng nguy hiểm, nhưng khuôn mặt cực kì dọa người với ánh nhìn sắc lạnh, bộ ria mép đậm chất Bố già Vito Corleone.