Hiện tại, thị trường đầu tư mạo hiểm có sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup tại Việt Nam như Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)... Nguồn vốn đầu tư của các quỹ kể trên tương đối lớn nhưng startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí lựa chọn đầu tư của các quỹ này.
Phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh tại Việt Nam, với khoảng 15.000 startup, hoạt động tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tiềm năng của startup được khẳng định qua các thương vụ đầu tư hàng triệu USD vào Lozi, Momo, OnOnPay... Do đó, thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam hiện tại không chỉ là mảnh đất của các quỹ nước ngoài như IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, mà còn thu hút sự tham gia tích cực của các quỹ nội địa như SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund...
Dù vậy, gọi vốn đang là vấn đề lớn nhất của các startup Việt, bởi đây là giai đoạn rủi ro nhất trong đầu tư cho khởi nghiệp, các startup vẫn đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm mẫu, chưa thử nghiệm được trên thị trường. Không có tài sản đảm bảo, nên ở giai đoạn này, các startup không có khả năng huy động vốn ở các kênh khác.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm chưa có, trong khi đầu tư mạo hiểm rủi ro lớn càng dễ khiến các nhà đầu tư chùn bước trong quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Đối với startup, nhất là startup ở giai đoạn vốn mồi (mới khởi nghiệp), tiền đầu tư thường được sử dụng để xây dựng sản phẩm công nghệ. Cái khó cho nhà đầu tư trong việc cấp vốn cho startup nằm ở tính chất sử dụng của nguồn vốn, thực chất là chi phí cho nhân sự, marketing và bán hàng. Đây chính xác là chi phí và không có khả năng thu hồi nếu startup không phát triển thành công.
Việt Nam đang thiếu nhà đầu tư ở giai đoạn vốn mồi với các khoản đầu tư từ 10.000 - 500.000 USD, trong khi gần như toàn bộ startup ở Việt Nam đều đang ở giai đoạn này. Các startup đã vượt qua ngưỡng nửa triệu USD có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ Singapore, mặc dù việc này cũng gây thiệt thòi lớn cho Việt Nam khi các startup này thường phải thành lập lại doanh nghiệp ở Singapore.
Hiện nay, tất cả quốc gia có hệ sinh thái startup đặc biệt phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ... đều có sự tham gia của chính phủ trong vai trò nhà đầu tư cho quỹ.
Tại Mỹ, 2 quỹ Huron River Ventures và Michigan Accelerator Fund khi mới thành lập được chính phủ đầu tư 25% tổng số vốn và quỹ của chính phủ chấp nhận giới hạn lợi nhuận của mình ở mức 1,5 lần, giúp quỹ nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động.
Singapore xây dựng hệ sinh thái cho startup dựa vào vốn đầu tư của chính phủ. Chính phủ Singapore đầu tư đối ứng lên tới 3 triệu đô la cho mỗi một quỹ được thành lập. Tất cả các quỹ tên tuổi tại đây đều có sự tham gia góp vốn của chính phủ, như JFDI, IMJ Fund... Chính sự tập hợp của các nhà đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng như Luật Đầu tư tương đồng với các nền kinh tế như Mỹ và Anh đã kéo các startup trong khu vực tập trung về nước này. Singapore mặc dù không có thị trường để startup khai thác nhưng lại là quốc gia có nhiều startup lớn nhất trong khu vực.
Thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng vốn đầu tư bình quân trên từng thương vụ, dù số lượng thương vụ không có xu hướng tăng, thậm chí giảm. Các khoản từ vài trăm ngàn cho tới hàng triệu USD có nhiều, nhưng khoản đầu tư nhỏ ban đầu (vốn mồi) lại rất ít.
Trong khi đó, nguồn vốn này dù nhỏ nhưng rất quan trọng cho các startup do có tính chất khởi động, thúc đẩy khả năng hoàn thiện sản phẩm, kiểm tra phản ứng của thị trường và thử nghiệm các chiến lược, mô hình kinh doanh khác nhau.
Quỹ đầu tư mạo hiểm và startup là cặp bài trùng. Thế nhưng, ngay cả quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có các quy định trong việc quản lý vốn của quỹ cũng như số tiền tối thiểu đầu tư vào mỗi công ty (thường từ 500 ngàn USD trở lên) và các startup Việt Nam đa phần đều không đạt quy mô cần thiết.
Ngoài ra, quỹ đầu tư mạo hiểm thường đầu tư theo xu thế và hiệu quả khai thác thị trường của startup. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn cho startup: không có người dùng và không có doanh thu, dẫn đến không huy động được vốn; không huy động được vốn thì không có vốn để kinh doanh và không có vốn kinh doanh thì lại dẫn đến không có người dùng, không có doanh thu...
Đầu tư vào các startup thực chất là bỏ ra một khoản chi phí mà chưa chắc đã có được doanh thu hay lợi nhuận. Một tổng kết tại Mỹ cho thấy, việc đầu tư mạo hiểm chỉ có thể thành công được 10% và mất đi 90% gần như là tất yếu. Do đó, việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào startup là vô cùng khó khăn, nhất là khi nước ta chưa quen với việc chấp nhận thất bại, hay chính xác hơn là Việt Nam chưa có văn hóa đầu tư mạo hiểm.