Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, trước đây là sân golf Phan Thiết |
Bài 1: Khi nguyên Bí thư Tỉnh ủy đích thân đứng đơn tố
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong quá trình chuyển đổi hơn 62 ha đất sân golf Phan Thiết thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
“Tiền duyệt, hậu tấu” trái quy hoạch?
Dự án sân golf Phan Thiết có diện tích hơn 62 ha do tỷ phú Mỹ Larry Hillblom đầu tư xây dựng, được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp phép ngày 27/7/1993; được Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất và cho thuê tại Quyết định số 475 ngày 25/9/1993. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 1997.
Lá đơn tố cáo đầu tiên của ông Đinh Trung gửi tháng 1/2019. Trong đơn, ông Trung cho rằng, sân golf Phan Thiết là đất công được Nhà nước cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê đất và các khoản thuế phát sinh hàng năm (100% vốn đầu tư nước ngoài), cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần, thời gian thuê đất 50 năm.
Theo quy hoạch sử dụng đất tới năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm thời kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Bình Thuận được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 4/5/2013 và được UBND tỉnh này cụ thể hóa bằng Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 13/12/2013, thì “đất sân golf Phan Thiết là đất thể dục, thể thao”.
Tháng 6/2019, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo xác minh lần thứ nhất, nhưng ông Đinh Trung không đồng ý kết luận này, vì cho rằng, có quá nhiều chi tiết bất thường bị bỏ qua, khiến một số nội dung tố cáo chưa được làm rõ, đặc biệt là thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách. Vì thế, ông Trung đã liên tục có đơn phản biện lại kết quả thanh tra và kiến nghị các cấp Trung ương tiếp tục làm rõ.
Tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Thanh tra Chính phủ rà soát vụ việc, căn cứ pháp lý để kết luận, trong đó tập trung một số trọng tâm của tố cáo như việc UBND tỉnh Bình Thuận chuyển từ hình thức cho thuê đất sang giao đất có đúng quy định pháp luật; giá đất có phù hợp với giá thị trường; có hay không việc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhận chuyển nhượng đất của Công ty cổ phần Rạng Đông trong Dự án liên quan…
Tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, sân golf Phan Thiết vẫn nằm trong Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Quyết định này ghi rõ: “Đối với dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai xây dựng; dự án đã hoàn thành đang hoạt động trước ngày quy định này có hiệu lực, thì tiếp tục hoạt động…”.
Ngoài ra, tại Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.
Tới ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn tại Dự án và chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Rạng Đông, giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ mục tiêu “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và công trình phục vụ kèm theo”.
Chỉ khoảng 2 tuần sau khi nhận chuyển nhượng, ngày 2/12/2013, Công ty cổ phần Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ”.
Tới ngày 5/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mới có Thông báo 75 thống nhất đề nghị trên, nhưng trước đó 2 ngày, tức ngày 3/3/2014, Công ty cổ phần Rạng Đông đã ra thông báo chấm dứt hoạt động của sân golf.
Mãi tới ngày 7/5/2014, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có Thông báo số 394/TB-TU đồng ý giao UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf, chuyển sang đất ở đô thị.
Đến ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ mới có Văn bản số 2117/TTg-KNT đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Từ các dữ liệu trên, ông Đinh Trung cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận ngay từ đầu đã câu kết, móc ngoặc với chủ đầu tư xóa bỏ sân golf để kinh doanh bất động sản, phân lô bán nền, trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch sân golf đến năm 2020…
Không đấu giá đất công, thất thu ngân sách lớn?
Đây là một trong những nội dung tố cáo rất nghiêm trọng có thể dẫn tới hình sự. Cụ thể, ông Đinh Trung tố rằng, khu đất sân golf được HĐND tỉnh Bình Thuận quyết định chuyển sang đất đô thị có diện tích 620.655 m2 là khu đất đẹp nhất TP. Phan Thiết, tiếp giáp bãi biển Đồi Dương và 2 trục đường lớn Nguyễn Tất Thành và Tôn Đản, phần còn lại tiếp giáp khu đô thị hiện có. Trong đó, diện tích phải thu tiền sử dụng đất là 363.523 m2, chiếm hơn 58%; diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132 m2, chiếm hơn 41%.
Ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho 363.523 m2 với số tiền sử dụng đất là 936.800 triệu đồng. Như vậy, giá thu tiền sử dụng đất là hơn 2,5 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, theo ông Đinh Trung, giá thị trường trên địa bàn TP. Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án thấp nhất khoảng 10 triệu đồng/m2, cao nhất là 24 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền với giá từ 20 đến 30 triệu đồng/m2.
“Cách định giá và thu tiền sử dụng đất như thế đưa lợi ích kếch xù cho doanh nghiệp, có thể thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng và không loại trừ tiêu cực, tham nhũng, ‘lợi ích nhóm’ ở đây”, đơn tố cáo gửi lãnh đạo Chính phủ của ông Đinh Trung nhận định.
Ông Trung còn cho rằng, có sai trái nữa là trong khi Chính phủ quy định khu đô thị mới phải có 20% diện tích cho nhà ở xã hội, thì UBND tỉnh Bình Thuận không thực hiện mà bán hết cho chủ đầu tư với giá rẻ, công trình công cộng trong khu đô thị cũng không tổ chức đấu thầu, mà giao thẳng cho chủ đầu tư. Một số hạng mục công trình chủ đầu tư chiếm đất công để xây chùa gọi là ‘di tích lịch sử’ cấp tỉnh, xây tượng đài không đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được duyệt”, ông Trung khẳng định.
Quan hệ “không bình thường”?
Trong đơn tố cáo, ông Đinh Trung còn cho rằng, có mối quan hệ “không bình thường” giữa lãnh đạo tỉnh này với Công ty cổ phần Rạng Đông. Dẫn chứng là, theo hồ sơ của ông Trung, từ năm 2001 đến nay (thời điểm tố cáo tháng 1/2019 - PV), lãnh đạo tỉnh đã đồng ý để công ty này mời gần 300 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, thành phố, xã, phường đi du lịch, tham quan nước ngoài, có người một năm đi 2-3 lần, mỗi lần đến 2-3 nước.
Sau khi có Chỉ thị 38/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác quản lý đoàn đi công tác nước ngoài, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn cho doanh nghiệp tư nhân mời lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài. Các quyết định của UBND tỉnh cử cán bộ đi ghi nội dung: “nghiên cứu công nghệ 4.0”.
Ông Trung còn tố, hầu hết cựu lãnh đạo và đương chức của tỉnh Bình Thuận tuy có nhà ở được Nhà nước hóa giá, nhưng vẫn được chủ đầu tư bán đất ở tại khu dân cư mới, thậm chí ngay khu đô thị biển để xây nhà mới; có người mua đi bán lại kiếm lời.
Từ đó, ông Đinh Trung đề nghị Thủ tướng giao Tổng thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra toàn diện dự án và xem xét mối quan hệ giữa lãnh đạo tỉnh và Công ty cổ phần Rạng Đông.
Trước đó, ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Công văn số 3430/VPCQCSĐT đề nghị UBND TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến đầu tư xây dựng 9 dự án trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị UBND TP. Phan Thiết cung cấp lý lịch trích ngang, phân công chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo UBND Thành phố và cán bộ qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo, tham mưu, thực hiện dự án; hồ sơ, tài liệu tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận trong quá trình thực hiện các dự án; cung cấp các tờ trình của UBND TP. Phan Thiết và các quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TP. Phan Thiết từ năm 2011 đến nay.
(Còn tiếp)