Một góc TP. Vị Thanh. |
Diện mạo mới của Vị Thanh
Là đô thị trẻ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Vị Thanh là trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh của tỉnh Hậu Giang; là đầu mối quan trọng trong liên kết vùng giữa TP. Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu. TP. Vị Thanh là điểm trung chuyển giữa vùng Tây sông Hậu với bán đảo Cà Mau qua hệ thống giao thông thủy, bộ như Quốc lộ 61, Quốc lộ 61C, tuyến giao thông thủy TP.HCM - Cà Mau qua Kênh Xáng Xà No.
Ngày 1/7/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/1999/CP về việc “Thành lập thị xã Vị Thanh và đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy”. Chỉ 10 năm sau, TP. Vị Thanh được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1156/QĐ-BXD ngày 15/12/2009 của Bộ Xây dựng và đến nay, TP. Vị Thanh đã có bước phát triển về mọi mặt với một tâm thế mới. Kinh tế tăng trưởng cao, đời sống người dân được cải thiện, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư.
Qua gần 4 năm tập trung thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình của UBND tỉnh về xây dựng TP. Vị Thanh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2020, đến nay, TP. Vị Thanh đã được xây dựng mở rộng để trở thành đô thị loại II. Việc này vừa phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện quan trọng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói riêng cũng như toàn tỉnh nói chung.
Hiện trên địa bàn Vị Thanh có Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch 62,5 ha, đã hoàn thành cơ bản xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tại đây, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký lập dự án đầu tư với diện tích 36,55 ha, chiếm 84,14% diện tích cho thuê đất, tổng vốn đăng ký 951.892 triệu đồng.
Vị Thanh hiện có 5.855 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng của ngành. Bên cạnh đó, hạ tầng chợ, siêu thị, trung tâm thương mai được đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 trên địa bàn đạt 3.982 tỷ đồng, tăng 32,12% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, nhiều dự án lớn được vào khai thác sử dụng hoặc đang được xây dựng, như Dự án Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vị Thanh; Dự án thu gom, xử lý nước thải của Thành phố... Đồng thời, Thành phố tập trung huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, phát triển không gian và mỹ quan đô thị theo hướng hiện đại, bền vững. Nhiều dự án như công trình kè Xà No, đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C), đường 19/8… đã hoàn thành, làm thay đổi diện mạo đô thị của Vị Thanh, xứng tầm với vai trò là trung tâm của tỉnh.
Vị Thanh đã triển khai thực hiện tốt chính sách huy động các nguồn lực đầu tư của tỉnh Hậu Giang trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng Thành phố đạt chuẩn đô thị loại II; thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp, như Đề án về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; Đề án cơ giới hóa nông nghiệp, Chương trình phát triển 4 cây (lúa, mía, khóm, cây ăn trái), 3 con (thủy sản, lợn, gia cầm); Dự án về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững… Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011 - 2018 đạt 5.569,82 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống và nâng thu nhập bình quân đầu người đạt gần 80 triệu đồng/năm (2018).
Cơ hội mới để Vị Thanh tăng tốc thu hút đầu tư
Với mục tiêu xây dựng TP. Vị Thanh văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 12/6/2019, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Vị Thanh và vùng phụ cận đến năm 2040 tại Quyết định số 908/QĐ-UBND.
Quy hoạch chung thành TP. Vị Thanh và vùng phụ cận theo tiêu chí đô thị loại II. Cụ thể, Vị Thanh tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sống và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, thực hiện chiến lược chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực phi nông nghiệp, chú trọng công tác đào tạo nghề theo địa chỉ đặt hàng của các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững và toàn diện, nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao.
Vị Thanh đang triển khai 11 khu dân cư, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 32.156 dân, diện tích cây xanh 64.962 m2, diện tích đất giao thông 784.710 m2, tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.102 tỷ đồng, với các nhà đầu tư là Công ty cổ phần Vincom Retail, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Kim, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường.
Hiện có 16 dự án khu dân cư đang tiếp cận nghiên cứu, dự kiến đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 43.000 dân, diện tích cây xanh 86.000 m2, diện tích đất giao thông 974.070 m2, tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.601 tỷ đồng, gồm các nhà đầu tư: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Phát triển dự án THD Việt Nam...
Vị Thanh kỳ vọng mở ra cơ hội mới để Thành phố hoàn thiện các tiêu chuẩn của đô thị loại II và thu hút đầu tư trong thời gian tới, tạo sức bật mới cho tỉnh và vùng.