Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem khẳng định, quyết tâm vực dậy xi măng Sông Thao trong năm 2015 đã được Ban lãnh đạo thống nhất cao về chủ trương cũng như phương án thực hiện.
Tổng vốn đầu tư dự án nhà máy Xi măng Sông Thao lên tới gần 1.800 tỷ đồng |
Kế hoạch tái cơ cấu toàn diện cho Xi măng Sông Thao mà Vicem xây dựng bao gồm cả nội dung liên quan đến kỹ thuật, điều hành sản xuất, thị trường, đến giải pháp tài chính.
“Chúng tôi sẽ giao Nhà máy Xi măng Sông Thao cho Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng – một thành viên của Vicem. Khi đó, Sông Thao sẽ trở thành một thành viên trong đại gia đình Vicem”, ông Khải thông tin thêm.
Theo kế hoạch, khi Vicem chính thức tiếp nhận và thực hiện tái cơ cấu, toàn bộ quy trình sản xuất, sản phẩm của Nhà máy Xi măng Sông Thao sẽ được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Vicem. Sản phẩm làm ra sẽ được đóng bao mang tên Vicem Hải Phòng, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất trên toàn hệ thống Vicem.
Theo phân tích của ông Khải, khi Nhà máy chạy tối đa công suất, sản phẩm có đầu ra, những vướng mắc về nợ nần sẽ dần được giải quyết. “Thuận lợi là dây chuyền sản xuất của Xi măng Sông Thao còn mới, điều kiện mỏ đá, nguyên liệu đủ cho khai thác trong thời gian dài”, ông Khải cho biết.
Không phải ngẫu nhiên mà công cuộc tái cơ cấu xi măng Sông Thao lại được Bộ Xây dựng đề nghị Vicem thực hiện. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, dựa vào nền tảng sẵn có, Vicem cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD) thực hiện tái cơ cấu Nhà máy Xi măng Sông Thao là bài toán hợp lý nhất, tốt cho doanh nghiệp (chủ cũ, chủ mới) và cả ngành xi măng.
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao (Ninh Dân, Thanh Ba, Phú Thọ) do Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao làm chủ đầu tư. HUD là cổ đông chi phối, chiếm 74,37% vốn điều lệ.
Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 4/2004, có công suất 2.500 tấn clinker/ngày tương đương 910.000 tấn xi măng/năm. Tháng 11/2009, nhà máy được khánh thành, đưa vào hoạt động, chậm hơn tiến độ dự kiến 48 tháng.
Nhưng sau 3 năm hoạt động, Xi măng Sông Thao ghi lỗ hơn 306 tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, riêng khoản nợ trong nước của Nhà máy đã là hơn 641 tỷ đồng. Cho đến giờ, Nhà máy mới trả được hơn 189 tỷ đồng.
Lý do Xi măng Sông Thao rơi vào thảm cảnh này đã được phân tích. Gia nhập thị trường đúng thời điểm thị trường bất động sản khó khăn, lại là thương hiệu mới, nên sản phẩm làm ra có tính cạnh tranh yếu, hoạt động sản xuất không hiệu quả, không chạy hết công suất thiết kế. Thêm nữa, do tiến độ thực hiện đầu tư dự án chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả và việc trả nợ của dự án.
Sản phẩm ra mắt thị trường không thuận lợi đã đành, nhưng cũng cần phải nhắc lại, Xi măng Sông Thao giống như nhiều dự án xi măng thời kỳ đó, là vốn chủ sở hữu thấp, trong khi vốn vay cao, càng khiến gánh nặng tài chính tăng.
Vốn điều lệ của dự án 640 tỷ đồng, nguồn vốn vay do Chính phủ bảo lãnh là 402 tỷ đồng, nguồn vay khác là 641 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ có 624,3 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hoàn thành, vốn đầu tư của Dự án đã bị đội thêm hơn 700 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư lên gần 1.800 tỷ đồng.
Giữa năm 2013, HUD có đề xuất gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phương án ứng vốn trả nợ vay nước ngoài cho Xi măng Sông Thao. Khoản nợ tại Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) là 24,5 triệu USD, mới trả được khoảng 17 triệu USD. Năm 2013, HUD gặp khó về tài chính nên không ứng vốn tiếp. Hai cổ đông còn lại là Tổng công ty Lilama và Công ty CP Xi măng Phú Thọ cũng không có khả năng.
Trước đó, một số dự án xi măng ốm yếu cũng đã được các doanh nghiệp tái cơ cấu hiệu quả, như Xi măng Đồng Bành được Tập đoàn Xi măng The Vissai mua lại và vực dậy khỏe mạnh, Tập đoàn Viettel đổ vốn tái cơ cấu Xi măng Cẩm Phả.
Riêng Vicem cũng đã có kinh nghiệm về mua lại dự án, như trường hợp mua lại Nhà máy xi măng Vạn Ninh (Quảng Bình) và giao cho Vicem Hải Vân tiếp nhận, điều hành sản xuất hiệu quả.
Thế Hải