- Ngành điện cần 133 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới
- Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt - Bài 1: Cú sốc lớn với các doanh nghiệp
- Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt - Bài 2: Nguy cơ đình trệ dự án, doanh nghiệp bên bờ phá sản
- Quy định vênh nhau, doanh nghiệp điện mắc kẹt - Bài 3: Làm ơn, đừng làm doanh nghiệp điêu đứng!
Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp ngành điện lo sốt vó vì dòng tiền đầu tư bị thay đổi đột ngột.
Nhiều doanh nghiệp ngành điện lo sốt vó vì dòng tiền đầu tư bị thay đổi đột ngột. |
Doanh nghiệp lo là phải, bởi cả một hệ thống đang rùng rùng chuyển động bỗng bị chặn lại do dòng tiền tạm treo. Rất nhiều dự án, kế hoạch và cả bên liên quan cũng chịu ảnh hưởng bởi trước đó, ít thì vài tỷ, nhiều thì cả ngàn tỷ đồng số thuế dự kiến được hoàn đã được doanh nghiệp đưa vào kế hoạch dự toán khi lập dự án, khi xây dựng phương án tài chính, ký hợp đồng với đối tác, nhà thầu…
Lý do dừng hoàn thuế thật đơn giản: Tổng cục Thuế có văn bản gửi cục thuế các tỉnh yêu cầu chỉ được hoàn thuế khi dự án có Giấy phép hoạt động điện lực (giấy phép này được Bộ Công thương cấp cho doanh nghiệp khi dự án đã hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu). Song điều oái ăm là, theo các quy định hiện hành, khi dự án đi vào hoạt động và có doanh thu, dù có Giấy phép hoạt động điện lực, doanh nghiệp cũng hết thời hạn được hoàn thuế.
Thực tế, không phải đến giờ mới xuất hiện những mắc mớ giữa các quy định, mà điều này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra với Tổng cục Thuế từ đầu năm 2019, song đến nay vẫn chưa có phương án tháo gỡ. Doanh nghiệp được yêu cầu phải chấp nhận thực tế và tìm phương án thích nghi. Tuy nhiên, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng vốn là số tiền không hề nhỏ, doanh nghiệp có giỏi tính kiểu gì cũng không tìm được cách đi khả dĩ.
Tại Báo cáo kiểm toán số 11/KTNN-TH, ngày 12/2/2019 tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2017 của Tổng cục Thuế, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra điểm không phù hợp trong Công văn số 10492, ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính, đó là quy định không hoàn thuế GTGT với “doanh nghiệp kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”. Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, điều này không phù hợp khoản 7, Điều 1, Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, bởi luật trên không đề cập những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng, quy định tại Tiết c, Khoản 6, Điều 1, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP là “chưa phù hợp với thực tế”.
Nghị định nói trên quy định “Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT: Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư...”. Thế nhưng, Nghị định lại không quy định rõ thời điểm người nộp thuế cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên có những doanh nghiệp đang đầu tư, thì không được cơ quan cấp giấy phép vì chưa hoàn thành cơ sở vật chất, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy phép hoạt động điện lực... Đến khi hoàn thành, để đủ điều kiện được cấp giấy phép thì dự án đã đi vào hoạt động, do vậy không được hoàn thuế GTGT theo khoản 2, Điều 1, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị hủy bỏ nội dung không hoàn thuế GTGT với “doanh nghiệp kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhưng không đáp ứng được điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư” tại điểm 7, Công văn số 10492.
“Việc tham mưu, ban hành Công văn số 10492/BTC-TCT, ngày 30/7/2015 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT trái với quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT”, Kiểm toán Nhà nước lưu ý.
“Sai ở đâu, cần sửa ở đó”. Đây là quan điểm của giới chuyên gia và cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn ngày càng lớn.
Với môi trường kinh doanh đầy biến động, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt qua khó khăn, thách thức mới mong trụ vững trong Covid-19, mới mong giữ được cam kết, niềm tin với các bên liên quan và hoạt động hiệu quả. Trong hành trình ấy, chỉ khi nhận được sự ủng hộ về mặt chính sách theo đúng thông lệ quốc tế, thì doanh nghiệp mới hy vọng phát triển bền vững, đủ sức chống chịu với những cú sốc trong tương lai.