Ông Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường và biến đổi khí hậu vùng Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB) |
Thưa ông, tăng trưởng xanh đang là xu hướng toàn cầu và Việt Nam không thể bỏ qua?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại. Song thách thức lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu và thay đổi trong xu hướng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; ngày càng nhiều người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm và dịch vụ xanh, bền vững.
Vì vậy, Việt Nam không thể bỏ qua xu hướng tăng trưởng xanh đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. Theo đó, muốn xuất khẩu sang châu Âu, doanh nghiệp Việt phải tuân theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và sẽ phải trả nhiều thuế nếu quá trình sản xuất phát thải nhiều carbon.
TP.HCM đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, chủ yếu từ ngành sản xuất công nghiệp (20 triệu tấn) và giao thông (13 triệu tấn). Thành phố đã đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp với khả năng giảm 30% phát phải nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
Tôi nghĩ đây là một mục tiêu khá tham vọng, nhưng không phải là không thực hiện được. Phần lớn lượng phát thải carbon đến từ sản xuất công nghiệp, nhưng sẽ dễ cắt giảm hơn so với cắt giảm khí thải từ giao thông. Tôi tin TP.HCM có thể là một địa phương đi đầu để xây dựng một hình ảnh là một đô thị xanh, bền vững.
Quốc hội Việt Nam vừa cho phép TP.HCM thí điểm một số cơ chế mới trong phát triển xanh như chuyển đổi phương tiện hóa thạch sang năng lượng xanh, trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon… Theo ông, để chuyển đổi hiệu quả, Thành phố cần các giải pháp và lộ trình thực hiện thế nào?
Đây là cơ hội tốt để cắt giảm khí thải, cũng như thúc đẩy tăng trưởng xanh tại TP.HCM. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon cần phải được bắt đầu thực hiện ngay bây giờ. Có một điều cần phải chú ý là, trong cắt giảm phát thải của doanh nghiệp, cần thiết lập cơ chế xác minh và công nhận chứng chỉ carbon. Một điểm lợi của việc thiết lập thị trường tín chỉ carbon là không chỉ giúp Thành phố có nguồn tài chính từ ngân hàng, mà còn có thể bán tín chỉ này ra thế giới, giảm chi phí vay khoảng 20%.
Muốn bán tín chỉ carbon ra thế giới, TP.HCM không cần phải thiết lập một sàn giao dịch trong Thành phố, vì đã có các sàn giao dịch quốc tế sẵn có. Còn ở trong nước, khi càng nhiều doanh nghiệp cắt giảm khí thải, thì sẽ tự động có thị trường và cần phải có một sàn giao dịch. Việt Nam đang thúc đẩy các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, năng lượng giảm phát thải và các doanh nghiệp ngành này có thể mua các tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp trong nước.
Nếu tham gia các sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc tế, các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý những gì?
Trước hết, doanh nghiệp cần có ý tưởng hoặc dự án và đưa chúng đến các đơn vị có thể xác minh. WB là một đơn vị có thể xác minh điều này, đồng thời có thể cung cấp nguồn tài chính hoặc tìm những đối tác tham gia mua và bán tín chỉ carbon. Đó cũng là lý do chúng tôi đang hợp tác với TP.HCM để tạo ra một cơ chế kết nối người mua, người bán, cũng như nhà xác minh uy tín.
Ý tưởng hiện nay là Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là đơn vị trung gian tổng hợp các dự án và ý tưởng, làm việc với các công ty xác minh tín chỉ, đối tác mua tín chỉ carbon. Doanh nghiệp có thể tiếp cận HFIC để nhận được nguồn tài chính và được hỗ trợ kết nối với người mua tín chỉ. Chính phủ Singapore, Thụy Sỹ và Hàn Quốc muốn mua tín chỉ carbon, nhưng để thực hiện giao dịch với họ, TP.HCM cần sự chấp thuận từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính.