Trong phần tranh luận tại tòa, luật sư của cựu Thư ký Phạm Trung Kiên cho rằng, so sánh tương quan doanh thu của các doanh nghiệp thì con số hơn 42 tỷ đồng mà thân chủ của mình đã nhận hối lộ không hề lớn.
Theo luật sư, cách so sánh này là khách quan, toàn diện, đầy đủ; so với con số hơn 30.000 công dân được về nước, tính ra chỉ vài trăm nghìn (con số thiệt hại – PV) để đổi lại sự an toàn tính mạng, đoàn tụ với gia đình... thì có lớn không, từ đó mới có cách tính chính xác, khách quan.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu". |
Đối đáp về vấn đề trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, với quan điểm bào chữa này, Viện Kiểm sát thấy rất phẫn nộ, thể hiện sự thờ ơ trước những nỗi đau, mất mát của đồng bào, nhân loại. Hành vi của các bị cáo diễn ra trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19, hết sức nguy hiểm, phức tạp, lấy đi sinh mạng hàng triệu người.
Hơn nữa, trong khi cả nước căng mình "chống dịch như chống giặc", tình cảm đồng bào ý nghĩa thiêng liêng, chia sẻ với nhiều chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, các chuyến hàng từ thiện, doanh nghiệp chung sức đồng lòng; trước nguy cơ phá sản nhưng vẫn đồng hành để làm công tác thiện nguyện phòng chống dịch, mua vaccine...
Đồng bào tại nước ngoài cũng vô cùng khó khăn, qua các bị cáo "nhận hối lộ" là đại sứ tại nước ngoài đã chia sẻ trong những ngày qua, có thể thấy người dân đã phải cùng cực, mong muốn về quê hương, được an toàn như thế nào.
Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi của các bị cáo, trong đó có Kiên đã làm đi mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân, phản bội lại sự có gắng của cả hệ thống chính trị.
“Quan điểm của luật sư là sự xúc phạm đối với người dân đã trải qua đại dịch Covid-19 khi coi hơn 42 tỷ là không lớn, nếu chia cho 30.000 người dân được đưa về Việt Nam. Viện Kiểm sát sẽ không dùng lời lẽ nặng nề để nói thêm về vấn đề luật sư đưa ra quan điểm, mà để cho người dân, dư luận, xã hội đánh giá”, đại diện Viện Kiểm sát nói.
Liên quan tới các hành vi của Phạm Trung Kiên, Viện Kiểm sát dẫn chứng, ngày 19/12/2019, Văn Phòng Bộ Y tế biệt phái, cử Kiên sang vị trí Thư ký Thứ trưởng. Do Bộ Y tế chưa có quy chế, nên Kiên được giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, tiếp nhận và gửi văn bản trình ký, duyệt.
Trong công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế là một Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Trong Tổ công tác có đại diện của 4, 5 bộ, Bộ Y tế là đơn vị rất quan trọng trong việc cho ý kiến. Kiên là một mắt xích trong vai trò, quy trình cấp phép chuyến bay.
Nếu Kiên chậm trình ký, đóng dấu thì sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình cấp phép. Chỉ chậm 1-2 ngày, doanh nghiệp đã không thực hiện được chuyến bay nên họ "mỏi cổ, chờ mong". Do đó, nhiều doanh nghiệp sợ Kiên sẽ gây khó khăn trong việc trình cấp phép.
Thêm vào đó, bản thân Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa tiền, mà sau khi khởi tố vụ án, Kiên đã gọi điện cho các doanh nghiệp, yêu cầu phải khai báo là tiền vay mượn, góp vốn, để che giấy hành vi của mình. Theo đó, 12/19 doanh nghiệp được Kiên yêu cầu đưa 150-200 triệu đồng/chuyến bay, 2 triệu đồng/khách lẻ.
Bị cáo Phạm Trung Kiên bị cáo buộc 253 lần nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng. |
Bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình khai, qua điện thoại, Kiên đòi 150 triệu đồng/chuyến, khi nào nhận được tiền thì mới có văn bản đã ký.
Rất nhiều lời khai tại tòa cũng thể hiện điều này, và đã được thẩm tra công khai. Trong số 7/19 doanh nghiệp Kiên không yêu cầu hoặc chưa được làm rõ, thì doanh nghiệp phải tự cân đối để chuyển tiền cho Kiên, hoặc đưa tiền ở hình thức khách lẻ.
Về hành vi nhờ doanh nghiệp khai tiền "đưa hối lộ" là tiền vay mượn, góp vốn, tất cả các khoản đều ghi trên sao kê là trả nợ, nhưng thực tế không hề có. Mà tiền đó là Kiên nhận hối lộ.
Với chứng cứ nêu trên, Viện Kiểm sát cho rằng, việc hành vi "Nhận hối lộ" của Kiên có phải là công khai, trắng trợn hay không, thì luật sư và bị cáo ngồi đây đã rõ, nên Viện Kiểm sát giữ nguyên đánh giá với bị cáo.
Ngoài ra, đối với quan điểm bị cáo cho rằng, đã tự thú tại Cơ quan điều tra, và đề nghị xem đây là tình tiết tự thú, tích cực phối hợp, Viện Kiểm sát cho rằng, trước khi Kiên khai nhận, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành sao kê toàn bộ số tiền của Kiên, và đã biết được dòng tiền chuyển vào tài khoản của bị cáo chứ không phải chờ đến lúc tự khai ra.
Do đó, Viện Kiểm sát thấy, không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tự thú. Để có lợi cho Kiên, cơ quan điều tra cũng đưa ra tình tiết số tiền 15 tỷ đồng mà các bị cáo chuyển vào tài khoản cho Kiên và Kiên cũng đã khai nhận số tiền này.
“Kiên cũng không thừa nhận hành vi của mình, gây khó khăn trong quá trình điều tra vụ án. Trong 13 buổi đối chất với các doanh nghiệp, Kiên luôn khẳng định số tiền 12 tỷ đồng trả lại cho các doanh nghiệp là số tiền vay mượn cá nhân.
Mãi sau này, khi đưa ra nhiều căn cứ, động viên, Kiên mới thừa nhận, khai báo hành vi. Kiên nhận hối lộ 253 lần thì không thể nói là vô ý được”, Viện Kiểm sát khẳng định
Viện Kiểm sát cũng ghi nhận, trong quá trình phiên toà diễn ra, gia đình Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng và vợ của bị cáo đồng ý nếu phát mại căn hộ chung cư cao cấp thì cũng sẽ chấp thuận lấy tài sản chung để nộp khắc phục hậu quả, do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem là hình thức giảm nhẹ.
Trước đó, Kiên là bị cáo duy nhất bị đề nghị tuyên án tử hình về hành vi "Nhận hối lộ". Theo cáo buộc, Kiên đã nhiều lần dọa, ép doanh nghiệp phải đưa tiền mới làm các thủ tục trình ký cấp phép các chuyến bay, "đưa tiền mới có dấu", qua đó nhận hối lộ 253 lần, với tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.