Thu viện phí tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Ảnh: Thanh Hải |
Tăng 1.800 dịch vụ y tế
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.
Theo đó, toàn bộ 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT thanh toán đều được điều chỉnh giá trong Thông tư này. Tất cả các BV trên toàn quốc sẽ sử dụng một mức giá vào tháng 11/2015. Tuy nhiên, trước mắt chỉ áp dụng “đồng giá” cho người có thẻ BHYT. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng mức giá hiện nay. Tuy nhiên lộ trình là năm 2016 sẽ điều chỉnh giá dịch vụ với người không có thẻ BHYT.
Đặc biệt, nếu trước đây, Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá, các địa phương tự xây dựng giá và HĐND phê duyệt, còn trong Thông tư này, Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá cố định và các BV trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng. Lý giải về vấn đề này, ông Liên cho rằng, việc mỗi tỉnh quy định một mức giá sẽ dẫn đến vô lý là cùng hạng BV nhưng mức giá giữa các tỉnh lại khác nhau. Có tỉnh nghèo nhưng do đông người nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí, tỷ lệ dân tham gia BHYT lớn nên mạnh dạn phê duyệt mức giá cao, sát khung. Còn các tỉnh “khá hơn” nhưng tỷ lệ dân tham gia BHYT thấp nên phê duyệt mức giá thấp, như vậy là không công bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.
Thay đổi nhận thức
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, với việc điều chỉnh giá viện phí mới bắt đầu từ cuối năm nay, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT sẽ có lợi hơn. Còn những người chưa có thẻ BHYT chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng cao hơn. Đề cập đến vấn đề này, Bà Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho rằng, không nên vì lo cho số người không có thẻ BHYT mà “dìm” giá viện phí xuống, khiến đa số người dân (75% dân số tham gia BHYT) bị thiệt thòi do chất lượng khám chữa bệnh thấp. Thay vào đó, Nhà nước cũng như các địa phương nên có biện pháp để người dân tích cực tham gia BHYT.
Băn khoăn trước câu hỏi, tăng viện phí liệu có tăng chất lượng khám chữa bệnh, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định, khi giá được tính đủ sẽ khuyến khích các BV phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tăng giá này hiện cũng chỉ đủ bù đắp chi phí của BV còn việc tăng chất lượng cần một lộ trình.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính kỳ vọng, việc giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí, trong đó có bao gồm chi phí tiền lương, sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, BV phải phục vụ người bệnh tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ.
Còn ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định: Giá dịch vụ y tế chưa được chi trả đúng với năng lực, sự cống hiến, do vậy đã ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế, không đủ chi phí để tái đầu tư sức lao động, BV không đủ kinh phí để bổ sung biên chế. Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, ngay bây giờ cần thay đổi nhận thức "ban ơn" cho người bệnh của nhân viên y tế, BV phải lấy người bệnh làm trung tâm và nhân viên y tế là người phục vụ.
Dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2015, khi Thông tư được ban hành thì giá viện phí được thực hiện theo mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Từ 1/3/2016, thực hiện mức giá trong đó bao gồm cả tiền lương của cán bộ y tế.
Còn trong năm 2016, liên bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT (thời điểm hiện tại chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT).