Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) |
Kể từ khi Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược vào năm 2011, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, Đức có 441 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 2,37 USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%). Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra gần 50.000 việc làm, qua đó tiếp tục có những đóng góp tích cực cho quan hệ kinh tế song phương.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam cũng trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được coi là các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư cao, qua đó thúc đẩy tăng trưởng đột phá trong quan hệ thương mại của hai nước. EVFTA loại bỏ hơn 99% thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Thế giới AHK 2022 (AHK World Business Outlook 2022) của chúng tôi, 73% các công ty Đức được khảo sát tại Việt Nam cho biết, việc thực thi EVFTA giúp tăng khả năng cạnh tranh của các công ty này tại Việt Nam. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ tận dụng EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp Đức, nhưng phản hồi khá tích cực. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Đức đã tăng 25%, lên 14,8 tỷ USD tính đến cuối tháng 10/2022 sau khi EVFTA có hiệu lực.
Với việc Việt Nam tham gia các FTA, đặc biệt là EVFTA, các công ty Đức lạc quan về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Thế giới AHK 2022 cho thấy, 38% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam xác nhận tình hình kinh doanh khả quan và mong đợi một kịch bản tốt hơn vào năm 2023 cho họ. Bất chấp những thách thức về nhu cầu, tỷ giá hối đoái và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, 82% doanh nghiệp Đức có dự định đầu tư thêm tại Việt Nam trong 12 tháng tới.
Đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, 89% doanh nghiệp Đức được khảo sát tại Trung Quốc đang cố gắng tìm nhà cung cấp mới và 64% trong số họ cần đa dạng hóa sản xuất. 60% trong số đó đang tìm kiếm các nhà cung cấp/địa điểm bổ sung mới ở châu Á.
Ước tính có khoảng 5.200 công ty Đức đang hoạt động tại Trung Quốc và một số đang áp dụng chiến lược đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Một số doanh nghiệp xem xét các quốc gia châu Á khác, bao gồm Bangladesh, Sri Lanka và Ấn Độ, nhưng 95% trong số họ đặt ASEAN là ưu tiên. Trong khối ASEAN, Việt Nam là một trong những quốc gia/điểm đến phù hợp nhất trong chiến lược Trung Quốc + 1 của họ.
Từ khi đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát bước đầu, Việt Nam mở cửa biên giới trở lại vào ngày 15/3/2022, đại diện của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các dự án chất lượng cao của Đức, Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích lâu dài và đáng kể từ các công nghệ nổi tiếng của Đức, giúp sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và phái đoàn gồm 12 công ty Đức tới Việt Nam tháng 11/2022, Thủ tướng Đức đã tái khẳng định rằng, các công ty Đức muốn đa dạng hóa lợi ích của họ ở châu Á và Việt Nam là một trung tâm sản xuất tiềm năng cho họ. Chuyến thăm được coi là cơ hội mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, thể hiện cam kết và quyết tâm cùng nhau đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Trong điều kiện và môi trường thuận lợi, ngày càng được cải thiện, chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư Đức sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án có giá trị cao. Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ nổi tiếng của Đức trong quản lý và đào tạo, sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và ít lãng phí nguyên vật liệu và tài nguyên hơn.
EVFTA đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền cơ bản của người dân tại nơi làm việc và môi trường. Đó là nền tảng tuyệt vời cho Việt Nam và sẽ làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn như một địa điểm đầu tư lý tưởng. Nó sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư Đức và châu Âu, kể từ khi Luật về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (LkSG) được Đức thông qua vào tháng 6/2021, sẽ có hiệu lực từ năm 2023, bao gồm các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức.
Mục tiêu của luật này là cải thiện việc bảo vệ nhân quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, cấm sử dụng các chất có hại cho con người và môi trường. Việc chống phân biệt đối xử, lương đủ sống và giờ làm việc hợp lý cũng là trọng tâm của Đạo luật. Luật cũng yêu cầu các doanh nghiệp Đức xây dựng cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả, phù hợp cho chuỗi cung ứng của mình và tích hợp cơ chế đó vào tất cả các chu trình sản xuất - kinh doanh quan trọng.
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Đức khi Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo, với tầm nhìn dài hạn về chuyển dịch năng lượng bền vững.
Vào tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định và Công ty PNE AG đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong dự án điện gió ngoài khơi dự kiến có vốn đầu tư 4,6 tỷ USD. Lễ ký kết được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện xúc tiến đầu tư giữa Bình Định và CHLB Đức, do UBND tỉnh Bình Định và AHK Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là dấu mốc đáng ghi nhớ sau hơn hai năm kể từ khi nhà đầu tư bày tỏ mong muốn khảo sát, lập trang trại điện gió ngoài khơi tại Bình Định. PNE AG hy vọng biến Việt Nam thành nhà cung cấp điện gió cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Bộ và các khu vực khác.
Việt Nam đang xây dựng một cấu trúc mới về nguồn năng lượng, với tỷ trọng năng lượng sạch tăng lên. Chính phủ Việt Nam đang tạo ra môi trường thuận lợi hơn và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm các nguồn thủy điện tự nhiên, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Quan trọng nhất, năng lượng xanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư Đức và nhà đầu tư quốc tế trong tương lai. Vào ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) trị giá 15,5 tỷ USD.
Theo thỏa thuận này, Việt Nam cam kết thực hiện một loạt mục tiêu mới nhằm cắt giảm khoảng 500 triệu tấn khí thải vào năm 2035. Thỏa thuận sẽ giúp Việt Nam giảm điện than, “xây dựng ngành điện thế kỷ 21”. Việc thông qua tuyên bố chính trị này cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực to lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc chung tay giải quyết một trong những thách thức to lớn của thế giới.