Thời sự
Việt Nam - Hoa Kỳ nắm tay nhau mở rộng quan hệ đối tác toàn diện
Hà Nguyễn - 10/07/2015 08:56
Không chỉ trên khía cạnh chính trị, ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đang cùng nắm tay nhau để mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đó chính là một trong những trọng tâm để hai nước mở rộng quan hệ đối tác toàn diện.

Cuộc tọa đàm với doanh nghiệp Hoa Kỳ, do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức, chính là một trong những dấu ấn đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi sự xuất hiện của Tổng Bí thư trước khoảng 200 doanh nghiệp Hoa Kỳ chính là thông điệp mạnh mẽ nhất mà Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi tới cộng đồng nhà đầu tư Hoa Kỳ về việc Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thậm chí, không chỉ là thông điệp, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng việc sáng qua (9/7, giờ Việt Nam), Citi đã chính thức nhận được sự chấp thuận của Việt Nam đối với kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vố nước ngoài tại Việt Nam.

TPP được cho là sẽ mở ra cơ hội để biến Việt Nam thành công xưởng của thế giới. Ảnh: Hà Thanh

 

Thư chấp thuận này được ký bởi ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lễ ký kết tại Trụ sở Phòng Thương mại Hoa Kỳ, TP. Washington D.C, Hoa Kỳ và dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với Citi, điều này tất nhiên mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi họ, một trong những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, đã nhận được cái gật đầu của Chính phủ Việt Nam vào đúng thời điểm Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ.

“Citi mong muốn được tiếp tục trở thành một phần trong những thành công của nền kinh tế Việt Nam”, bà Natasha Ansell, Tổng giám đốc Citi Việt Nam nói và cho biết, kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam mà Citi đang xin cấp phép sẽ tạo điều kiện để Citi đóng góp nhiều hơn cho ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như việc tăng cường nền tảng hoạt động kinh doanh nhằm hỗ trợ các khách hàng trong nước và quốc tế tốt hơn.

Citi dự kiến sẽ đệ trình hồ sơ cấp phép tới các cơ quan có thẩm quyền tại Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian tới sau khi nhận được sự chấp thuận chính thức từ Hội đồng Quản trị Citibank, N.A.

Trên thực tế, Citi chỉ là một trong những tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Coca-Cola, PepsiCo, rồi IBM, Cargill, Microsoft, Chevron, Ford, GE, AES, UPS… là những cái tên luôn được nhắc tới. Và hàng năm, lãnh đạo các tập đoàn này luôn có các chuyến viếng thăm Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Cơ hội hợp tác mạnh mẽ được cho là sẽ mở ra sau chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ. Một cách nhìn khách quan, báo chí Hoa Kỳ và quốc tế trong những ngày qua đã không ngừng đưa tin, bình luận về sự kiện này và cũng đồng quan điểm rằng, Việt Nam - đất nước “đang sản xuất giày cho Nike, chip máy tính cho Intel, máy ảnh cho Cannon, xe máy cho Honda, điện thoại thông minh cho Samsung và thị trường tiêu dùng đang mở rộng” đang có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương với Hoa Kỳ.

20 năm trước, khi Việt Nam và Hoa Kỳ nối lại quan hệ song phương, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu ​USD, nhưng đã đạt 39 tỷ USD vào năm ngoái. Việt Nam hiện xuất khẩu hàng hóa tới Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực ASEAN. Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 11 tỷ USD vốn đầu tư. Và mối quan hệ kinh tế này đã tạo ra hàng ngàn việc làm tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ.

Việt Nam - đất nước “đang sản xuất giày cho Nike, chip máy tính cho Intel, máy ảnh cho Cannon, xe máy cho Honda, điện thoại thông minh cho Samsung và thị trường tiêu dùng đang mở rộng” đang có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương với Hoa Kỳ.

 

Cơ hội rộng mở khi cùng với 10 quốc gia khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại của toàn thế giới.

TPP được cho là sẽ mở ra cơ hội để biến Việt Nam thành công xưởng của thế giới. Và trong bối cảnh đàm phán TPP vẫn còn những nút thắt chưa dễ tháo gỡ, thì cuộc hội đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama, với một trong những trọng tâm là về TPP, đã mang tới hy vọng hai bên sẽ tiến gần hơn nữa đến một bản thỏa thuận thương mại giúp Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng 10 quốc gia thành viên TPP khác, gỡ bỏ nhiều rào cản về kinh tế. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Quốc hội Hoa Kỳ vừa phê chuẩn dự luật về quyền đàm phán nhanh (TPA), cho phép chính quyền Tổng thống Obama nhanh chóng hoàn tất thương lượng các thỏa thuận thương mại lớn, trong đó có TPP.

Tất nhiên, đi kèm cơ hội sẽ là thách thức, nhưng TPP thực sự là điều mà phía Việt Nam đang chờ đợi. Kể từ khi Việt Nam tham gia đàm phán gia nhập TPP, không chỉ nhà đầu tư Hoa Kỳ, mà còn nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác, đã dốc vốn vào Việt Nam để đón đầu cơ hội này.

Một thông tin ngay trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà không nhiều người biết, là UPS khu vực Nam Á đã ký một thỏa thuận với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ tịch UPS Toàn cầu Jim Barber. Theo đó, UPS sẽ hỗ trợ Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhờ đó, UPS - tập đoàn hàng đầu về logistics, chuyển phát nhanh, vận chuyển hàng hóa, sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng không, trong đó có cả Hiệp định về chống đánh thuế hai lần, Giấy phép xây dựng Trường đại học Fulbright tại Việt Nam cũng sẽ được trao...

Tin liên quan
Tin khác