. |
Sau lễ ký chính thức, dù EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, còn EVIPA cần thêm từng nước thành viên EU thông qua, nhưng việc Việt Nam và EU đạt được những thỏa thuận chung để ký EVFTA và EVIPA đang mở ra thời cơ lớn cho cả Việt Nam và EU trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân cũng như doanh nghiệp hai bên.
Thời cơ lớn đó được nhắc tới trước tiên và nhiều nhất, là cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư, khi theo Hiệp định, trên 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, hoặc sau một lộ trình ngắn và 65% thuế đối với hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ biến mất ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Cơ hội thúc đẩy thương mại tăng, không chỉ với riêng Việt Nam hay EU, mà với các nền kinh tế đã ký các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, cộng thêm các quy định về bảo hộ đầu tư, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy dòng đầu tư từ EU nói riêng, từ nước ngoài nói chung vào Việt Nam. Xem tiếp trang 3
Hẳn nhiên, một khi xuất khẩu gia tăng, đầu tư gia tăng, thì Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng thời cơ lớn với Việt Nam không chỉ có thế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, ký EVFTA và EVIPA là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều hiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.
Thời cơ lớn còn ở chỗ, với việc trở thành nước châu Á thứ tư và nước ASEAN thứ hai ký hiệp định thương mại tự do với EU, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.
Theo tính toán, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với 55 đối tác, bao gồm cả các nước G7 và 15 nước nhóm G20. Với vị thế và quan hệ thương mại rộng lớn như vậy, không gian kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và bước vào một giai đoạn phát triển mới, bứt phá mạnh mẽ hơn.
Thời cơ lớn còn đến từ việc, thực thi EVFTA và EVIPA, Việt Nam sẽ phải thực hiện hàng loạt cải cách và cam kết, liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bảo hộ đầu tư, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, quá trình cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế, tạo nền tảng để nền kinh tế Việt Nam có thể bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và toàn cầu.
Thời cơ thực sự vô cùng to lớn và không dễ có được. Bởi thế, câu chuyện hiện nay không chỉ là làm sao đẩy nhanh quá trình phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU, mà còn là sự chuẩn bị của phía Việt Nam để tận dụng các cơ hội, thậm chí cả là những thách thức cho EVFTA và EVIPA mang lại.
Ở đây, trách nhiệm không chỉ của riêng doanh nghiệp, mà còn là của cả hệ thống chính trị, bởi đòi hỏi cải cách, đổi mới không là câu chuyện của riêng một ai. Ký EVFTA và EVIPA, lợi ích có thể khổng lồ, nhưng trách nhiệm và thách thức cũng khổng lồ không kém.
Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á - Âu, ký Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Nhưng để trả lời câu hỏi rằng, Việt Nam đã tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định trên mang lại chưa, thì câu trả lời là chưa. Chắc chắn, không một ai muốn câu trả lời tương tự đối với EVFTA và EVIPA.