Đó là nhận định của ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trong phiên khai mạc Tọa đàm cấp cao - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022.
Theo ông Tuấn Anh, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật như quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. |
Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp; nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ đồ gỗ…
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp FDI là từ các nước mới nổi, nhất là từ Trung Quốc; hoạt động chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, từ đó hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế trong nước còn thấp; số hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1.000 hợp đồng trong tổng số gần 27.500 dự án đầu tư nước ngoài...
Bên cạnh đó, kết quả phân tích cấu trúc liên ngành cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu; mặc dù đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 34,3% giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,9% giai đoạn 2016 - 2020 nhưng trong cơ cấu của TFP, vai trò của khoa học công nghệ chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn 28,44%.
Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cả nhà nước và tư nhân chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%;
Ngoài ra, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn ở mức thấp với việc nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp; Việt Nam nhập siêu tới 9,3 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, nhập khẩu 85,4% xơ sợi (60% từ Trung Quốc, 13,7% từ Hàn Quốc và 11,7% từ Đài Loan), ngành da giầy nhập 40 - 45% nguyên liệu từ nước ngoài, 75% - 80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như như 80% giống rau và 60% giống ngô.
“Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc”, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, ông Trần Tuấn Anh cho rằng nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây; hàng triệu người lao động bị mất việc làm; hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch; ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng; thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.
Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội,. Kinh tế quý I/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%.
Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng mạnh. Cách đây hơn 1 tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.
Những kết quả về phát triển kinh tế xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga – Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Cũng tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nền kinh tế đất nước.
Đó là giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; xây dựng chính sách và cơ chế để thu hút có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, nhưng phải dựa vào nguồn lực trong nước là chính; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại song phương thế hệ mới (FTA) trong quá trình hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các quan hệ thương mại, đầu tư và tín dụng.
Đường lối nhất quán này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa kỳ vào cuối tháng 5 vừa qua. Ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh mới của thời đại, TP.HCM trong những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Theo ông Mãi, để thu hút nguồn vốn FDI có hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân.
“Dĩ nhiên, đây đang là một quá trình cần nhiều chính sách chung về vĩ mô, nên từ Diễn đàn này kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp về cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương của Đảng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong tình hình mới”, ông Mãi gợi ý.