Ông Eddy De Cuyper, Tham tán Hải quan Vương quốc Bỉ tại Trung Quốc (Ảnh: Hoàng Anh) |
Có mặt tại buổi tiếp, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu da giày cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường phải “nín thở” khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu (EU), bởi sau khi hàng hóa đã vượt qua khâu kiểm định chất lượng tại Việt Nam, được cấp giấy kiểm định chất lượng và thông quan để xuất khẩu thì khi sang đến EU, Hải quan EU lại tiến hành kiểm tra hàng hóa một lần nữa. Trong trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa, nếu hàng hóa đạt yêu cầu thì hoàn toàn bình thường, nhưng nếu Hải quan EU phát hiện thấy hàng hóa chưa đạt chuẩn thì doanh nghiệp vừa không bán được hàng, vừa phải chịu chi phí vận chuyển.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều bất lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang EU.
Mặc dù EU là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam, nhưng việc phải chấp nhận “năm ăn năm thua” khi xuất hàng sang EU đang trở thành mối lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước vấn đề này, ông Eddy De Cuyper, Tham tán Hải quan Bỉ cho biết, “Bỉ hay các nước EU khác đều có những tiêu chuẩn chung đối với từng loại mặt hàng khác nhau. Vì vậy nếu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể chủ động nâng cao chất lượng, vượt qua được hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật đó thì sẽ phòng tránh được nhiều rủi ro”.
Ông Eddy De Cuyper giải thích, mấu chốt nằm ở số lượng doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam quá ít, chỉ có 39 doanh nghiệp ưu tiên được công nhận trong năm 2015.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Hải quan Bỉ, ông Eddy De Cuyper cho hay, Bỉ đang phấn đấu đưa số lượng doanh nghiệp ưu tiên lên 85% trong năm nay. Vì vậy, Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa thì Hải quan Việt Nam và các doanh nghiệp cần phải cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình thủ tục, nhằm sớm tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên nhiều hơn nữa.
Đồng thời, khi các doanh nghiệp Việt Nam được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên thì khi xuất khẩu sang thị trường Bỉ và EU, hàng hóa Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng và nhận được các điều kiện thuận lợi trong thương mại, hạn chế được tối đa các rủi ro có thể xảy đến.
Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Jehanne Roccas khẳng định, Mối quan hệ giữa Việt Nam và EU đang ngày càng phát triển trên nhiều phương diện. Bỉ là “trái tim của châu Âu”, nơi đặt trụ sở của EU, với hệ thống cơ sở hạ tầng, thương mại rất phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được nhiều cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường này, với nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, chè, giày dép, dệt may…