Doanh nghiệp
Việt Nam có nên làm thép khi áp thuế tự vệ, thép Trung Quốc vẫn rẻ hơn?
Ngọc Thủy - 26/09/2016 16:13
Dù bị áp thuế tự vệ, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn thấp hơn thép Việt Nam khoảng 10%.

Kể từ sau khi tin tức về dự án thép Cà Ná có quy mô 10,6 tỉ USD được truyền đi, những tranh cãi về chuyện Việt Nam nên hay không nên làm thép đã nổ ra. Phía ủng hộ có lý do để bỏ phiếu thuận. Đại diện Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn thép vào năm 2020 và đến năm 2025, con số này có thể lên tới 22-25 triệu tấn. Đây là lý do để Bộ Công Thương bỏ phiếu cho dự án thép Cà Ná.

Một số chuyên gia tán thành sự ra đời của những dự án thép “khủng” còn vì ngành thép cần được cơ cấu lại. Trong bài viết của mình, chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cho rằng, phần lớn nhà máy ở Việt Nam có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ (công suất dưới 500.000 tấn). Sự ra đời của những dự án thép quy mô lớn hứa hẹn làm gia tăng vị thế của ngành, tăng áp lực cạnh tranh, buộc các nhà máy và dự án thép kém hiệu quả phải rút lui.

Liệu những lý do này đủ để thuyết phục các dự án thép “khủng” là cần thiết cho Việt Nam?

Nỗi ám ảnh từ thép Trung Quốc

Phải thừa nhận một nghịch lý rằng Việt Nam thiếu nhưng lại thừa thép. Trong những phân khúc Việt Nam đang sản xuất như thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội và tôn mạ, hầu hết đều có công suất gấp đôi mức tiêu thụ. Sắp tới, khi nhiều dự án mới như Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan), Thép Nghi Sơn cùng đi vào hoạt động, sản lượng thép đến năm 2030 có thể đạt tới 50 triệu tấn mỗi năm, gấp 3-4 lần hiện tại. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự đoán chưa tới 40 triệu tấn/năm.

Thừa thép nhưng Việt Nam vẫn đang bỏ ra hàng tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu thép. Đó là vì nhiều loại thép như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng, thép tấm lá, thép không gỉ, thép chế tạo... Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 1,8 triệu tấn phôi thép, nhập hơn 1,6 triệu tấn thép cuộn, dây thép và 1,43 triệu tấn tôn mạ. Tất cả đều tăng mạnh so với cùng kỳ.

Đây là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, đồng thời cũng phản ánh năng lực cạnh tranh yếu kém của ngành thép Việt Nam. Thực tế, dù bị áp thuế tự vệ, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn thép Việt Nam khoảng 10%. Vì thế, các công ty thương mại tích cực nhập khẩu thép Trung Quốc về bán. Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã gần bằng 80% lượng thép tiêu thụ trên thị trường và chiếm xấp xỉ 60% về sản lượng lẫn giá trị thép nhập khẩu của Việt Nam.

Thép Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho thép Việt Nam do quốc gia này đang thừa cung và có thể sẽ thực hiện chiến dịch phá giá, đẩy mạnh bán thép ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm Trung Quốc xuất ra thị trường thế giới 15% tổng sản lượng sắt thép. Nếu tình hình tiêu thụ ở Trung Quốc không cải thiện, nước này có thể dư thừa tới 300 triệu tấn thép mỗi năm, theo dự báo của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc.

Cả thế giới đều lo sợ và tìm cách ngăn chặn thép Trung Quốc. Mỹ đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới 266% đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu. Úc cũng quyết định áp thuế chống bán phá giá 53% lên thép Trung Quốc từ tháng 4 năm nay bất chấp Trung Quốc đe dọa cắt giảm nhập khẩu quặng sắt từ Úc. Riêng châu Âu, một mặt vận động các tập đoàn thép lớn sáp nhập với nhau và đổi mới công nghệ để làm ra những loại thép cao cấp mà Trung Quốc không sản xuất được, mặt khác đàm phán với Trung Quốc lập ra một cơ quan hỗn hợp để theo dõi số liệu thương mại song phương về thép và giám sát việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng thép.

Việt Nam cũng đã thiết lập hàng rào thuế quan tự vệ đối với thép nhập khẩu và chính thức áp dụng biện pháp này từ tháng 8.2016. Tuy nhiên, mức thuế 23,3% mà Việt Nam áp cho phôi thép và 15,4% dành cho thép dài sẽ chỉ kéo đến tháng 3.2020, với thuế suất giảm dần qua các năm. Nhiều khả năng các biện pháp tự vệ từ Việt Nam sẽ không làm chậm lại bước tiến của thép Trung Quốc.

Trung Quốc có sức mạnh của một cường quốc về sản xuất thép. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, hằng năm, Trung Quốc sản xuất hơn 800 triệu tấn thép. Tuy năm 2015, nước này đã giảm đôi chút về sản lượng nhưng vẫn gấp 5 lần sản lượng của châu Âu, hơn 7 lần Nhật và chiếm hơn một nửa tổng sản lượng thép toàn thế giới. Với quy mô này, cộng thêm những ưu đãi mà Trung Quốc dành cho ngành thép, như ưu đãi về giá điện, nước, nới lỏng các quy định về môi trường và các doanh nghiệp thép Trung Quốc cũng đã triển khai những ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thép nên thép Trung Quốc không chỉ vượt trội về nguồn cung hàng hóa mà còn hấp dẫn về giá cả. Với những lợi thế này, gần như không quốc gia nào thắng nổi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về giá thép.

Bất lợi đủ đường

Ngành thép Việt Nam còn phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một khi nhà máy thép của Formosa đi vào vận hành, với công suất 7,5 triệu tấn/năm giai đoạn 1 và tăng lên khoảng 22,5 triệu tấn/năm khi nhà máy hoàn thiện, Formosa có khả năng sẽ thao túng cả thị trường. Bởi ngay doanh nghiệp thép lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Hòa Phát cũng chỉ mới đạt công suất 2 triệu tấn/năm.

Ngành thép cũng chịu ảnh hưởng bởi cung cầu thị trường, giá cả... trên thế giới, vốn thường xuyên biến động. Chính vì thế, ngành thép chỉ mới sáng sủa trở lại trong năm nay, sau khi giá thép thế giới hồi phục, nhu cầu thép trong nước tăng theo, thị trường bất động sản ấm lại và Việt Nam đã tiến hành các biện pháp thuế quan tự vệ. Còn trước đó, ngành thép Việt Nam hứng chịu nhiều lao đao. Trong 5 năm (2011-2015), nhiều doanh nghiệp trong ngành này như Thép Việt Ý, Hữu Liên Á Châu, Thép Tiến Lên, Pomina, Thép Nam Kim, Đại Thiên Lộc, Thép Thái Nguyên (TISCO)... đều từng nếm trải mùi thua lỗ.

Nhìn sâu thêm vào ngành thép mới thấy Việt Nam khó mong đạt tới một nền công nghiệp thép có khả năng trụ vững trước sức tấn công của thép Trung Quốc. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Fulbright, sau hơn 2 thập niên tìm cách đổi mới ngành thép, dồn lực đầu tư cho nhóm doanh nghiệp nhà nước mà cụ thể là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), VNSteel vẫn không tỏa sáng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân - nhóm không được ưu tiên - lại cho thấy sức bật. Hiện tại, Pomina là doanh nghiệp đầu tư bài bản nhất, còn Hòa Phát có lẽ là doanh nghiệp đạt lợi thế cạnh tranh lớn nhất.

Hơn 2/3 nhà máy thép trong nước sử dụng thiết bị sản xuất có công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: baomoi.com

Nhưng sự vươn lên của một số doanh nghiệp thép không xóa đi được thực trạng ngành thép Việt Nam. Số liệu từ VSA cho thấy, hơn 2/3 nhà máy sản xuất thép trong nước hiện sử dụng các thiết bị sản xuất có trình độ công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Trong luyện phôi, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dùng công nghệ lò điện, vốn là công nghệ lạc hậu so với lò cao. Trong sản xuất thép, nhiều công ty sử dụng lò dung tích nhỏ (chưa tới 100 m3), thấp hơn nhiều so với  dung tích bình quân hàng ngàn mét khối của Nhật, Trung Quốc. Bởi thế, các doanh nghiệp thép của Việt Nam thường mất thời gian gấp đôi và tiêu hao điện cao hơn 60-70% so với thế giới để sản xuất 1 mẻ thép, theo báo cáo từ VNSteel. Và giá thành làm thép của Việt Nam cũng cao hơn 10-15% thế giới.

Tương lai ngành thép Việt Nam đang trông nhờ vào các doanh nghiệp tư nhân như Hòa Phát, Hoa Sen, Pomina. Đây là các doanh nghiệp đã lớn mạnh về quy mô, đầu tư nghiêm túc nên được kỳ vọng sẽ tạo được sức cạnh tranh. Nhưng đây cũng là nhóm cần sự hỗ trợ từ chính sách. Chẳng hạn, chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt có lợi cho Hòa Phát và TISCO. Hòa Phát, chẳng hạn, đã nắm quyền quyết định trong đàm phán mua quặng sắt khi các cửa ra cho quặng sắt bị đóng lại.

Ngay việc áp thuế tự vệ cũng chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp vừa luyện phôi vừa sản xuất thép như Hòa Phát, Việt Ý, Pomina, nhóm doanh nghiệp VNSteel, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Còn phần đông những doanh nghiệp chỉ sản xuất hoặc làm thương mại thép lại không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít. Rõ ràng, các chính sách về thép chỉ hỗ trợ một nhóm doanh nghiệp và đã gây ra những tranh cãi nhất định.

Đáng nói là dù được tạo điều kiện, sản phẩm thép Việt Nam vẫn khó lật ngược thế cờ trước thép ngoại. Lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn trên đà tăng và tăng cao hơn sản lượng thép sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản xuất thép đưa đất nước đối mặt với rủi ro môi trường. Theo Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt  Nam (VFMSTA), để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, các doanh nghiệp sẽ thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, 3 m3 nước thải độc hại, 2,3 tấn khí CO2, cùng các loại khí CO, SO2, bụi và bụi kim loại... Vì vậy, trong các vùng luyện kim, thường 60% khí quyển bị nhiễm bẩn. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất sẽ gây ra những hiện tượng như mưa a-xít, cùng với bụi kim loại, làm nguy hại cho sức khỏe con người, cây trồng vật nuôi trong khu vực.

Trả lời báo chí, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VFMSTA, cho biết: “Sản xuất thép là ngành không thân thiện với môi trường. Không có nhà máy thép nào là sạch. Nơi nào có nhà máy thép nơi đó có ô nhiễm”. Để làm sạch môi trường, năm 2014, các doanh nghiệp Mỹ đã chi 17 USD cho mỗi tấn thép, theo Cục Điều tra Thống kê Mỹ. Nếu Formosa cũng làm theo cách của doanh nghiệp Mỹ, ước tính chi phí khử ô nhiễm khi sản xuất 7,5 triệu tấn thép sẽ là 127 triệu USD.

Việt Nam đi sau, lại không có lợi thế về quy mô, công nghệ, vốn… để đưa ngành thép đạt tới tầm vóc đủ sức cạnh tranh về giá và chất lượng với các nước. Trong khi đó, thép Trung Quốc, thép Hàn, Nhật... dư thừa nguồn cung, không ngừng đe dọa thép Việt Nam. Và cùng với hiểm họa môi trường, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên đi con đường nhập thép sẽ lợi ích hơn là đẩy mạnh sản xuất thép.

Tin liên quan
Tin khác