Tiếp nối thành công của Hạn mức tín dụng giảm thiểu tác động biến động khí hậu (hạn mức tín dụng xanh SUNREF 100 triệu USD) đã ký kết và giải ngân trong năm 2021, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) và BIDV tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó và hiệu quả giữa hai bên thông qua việc ký kết Hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR.
Hạn mức này đem đến cho khách hàng của BIDV cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tài trợ ưu đãi từ nước ngoài để đầu tư vào các dự án xanh. Sau hạn mức đầu tiên tập trung tài trợ các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn mức tín dụng lần này hướng đến mục tiêu tài trợ các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, đánh dấu một bước tiến mới mạnh mẽ trong việc phát triển tài chính xanh tại Việt Nam.
Hạn mức tín dụng khí hậu 50 triệu EUR là sự khẳng định cam kết của hai bên trong quá trình thúc đẩy đầu tư, tài trợ các dự án xanh đã được thống nhất tại Bản ghi nhớ Hợp tác toàn diện ký kết ngày 28/05/2024 giữa BIDV và AFD. Bên cạnh đó, AFD còn cung cấp cho BIDV khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 200.000 EUR nhằm tư vấn, hỗ trợ ngân hàng xây dựng danh mục khoản vay phù hợp, thiết lập những chính sách tiêu chí đánh giá các rủi ro khí hậu của các dự án được tài trợ, phát triển và cải thiện hệ thống đánh giá, quản lý rủi ro về môi trường xã hội.
Theo chiến lược kinh doanh của BIDV giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, BIDV xác định “phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng. Trong thời gian qua, BIDV đã huy động nhiều nguồn vốn xanh từ các Nhà tài trợ nước ngoài để phục vụ, cho vay lại tới khách hàng; trong đó những dự án lớn của AFD do BIDV triển khai đã đem lại hiệu quả tích cực tới môi trường xã hội như Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, các Dự án năng lượng tái tạo sử dụng nguồn vốn SUNREF.
Hạn mức tín dụng khí hậu 50 triệu EUR lần này sẽ tiếp tục cung cấp cho BIDV nguồn vốn dài hạn tài trợ lĩnh vực tăng trưởng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành Ngân hàng phát thải ròng bằng “0” (Net zero bank) vào năm 2045.