Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã nêu lên nhiều khó trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh tại Hội thảo “Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 tại Việt Nam” diễn ra chiều 13/5 tại TP.HCM.
Thông tin tại hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn thảo và hiến kế để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn xanh |
Theo bà Hương với số vốn rất lớn, bên cạnh nguồn ngân sách thì rất cần có sự tham gia mạnh mẽ và tích cực của khu vực tư nhân trong nước cũng như các nguồn lực đầu tư tài chính quốc tế.
“Với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách cho Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp chúng tôi luôn trăn trở và cố gắng cải thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường” bà Hương khẳng định.
Về phía quỹ tài chính, ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc toàn cầu bộ phận tài chính khí hậu - mảng định chế tài chính- Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility, đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với các lĩnh vực đầu tư “xanh”.
Ông Duy cho biết từ năm 2018 đến nay các dự án xanh mà quỹ rót vốn vào thị trường Việt Nam liên tục tăng, ngay cả giai đoạn Covid-19 quỹ vẫn đầu tư vào các dự án xanh.
Theo ông Duy hiện nay Việt Nam là thị trường đầu tư lớn thứ hai của quỹ toàn cầu responsAbility.
Để thu hút các nguồn vốn tư nhân vào các dự án xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động hợp tác với các cơ quan để triển khai chương trình, sáng kiến tăng cường hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, chuyển đổi xanh như: chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam - thông qua Dự án USAID IPSC, Dự án UNESCAP về kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp, chế biến thực phẩm và Dự án UNDP ISEE-COVID - doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Trong vài trò là nhà đầu tư, David Ambadar, đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ cũng nói rằng, nếu có có tiêu chuẩn xanh rõ ràng thì tỷ lệ rót vốn vào các dự án xanh ở Việt Nam còn cao hơn nữa.
Ông cho rằng bên cạnh nguồn tài chính xanh, Việt Nam nên phát triển cả nguồn vốn trái phiếu xanh, cần xây dựng cơ chế tư vấn hỗ trợ trái phiếu xanh cho các địa phương.
Dù các quỹ đầu tư rất muốn rót vốn vào các dự án xanh nhưng do chưa có danh mục phân loại dự án xanh và cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp với ngân hàng và các quỹ tài chính nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn này.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV- thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, qua kết quả khảo sát mới đây, nhiều doanh nghiệp rất muốn tiếp cận tài chính xanh nhưng do chưa có danh mục phân loại xanh cấp quốc gia nên các ngân hàng, các quỹ không thừa nhận đó là dự án xanh để rót vốn.
Vì vậy, bà Thủy cho rằng cần phải sớm ban hành danh mục phân loại các dự án xanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho cả doanh nghiệp và ngân hàng để tháo gỡ các điểm "nghẽn" để doanh nghiệp tiếp cận được các dòng vốn xanh.