Sản xuất vắc-xin Sputnik-V tại Công ty Vabiotech. |
Cơ hội đảm bảo nguồn cung vắc-xin trong nước
Cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbi, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đủ điều kiện, năng lực nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin theo công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc-xin an toàn và hiệu quả cao như Moderna, Pfizer ngừa Covid-19; cho phép cập nhật các biến chủng mới và sản xuất với số lượng lớn. Do đó, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA không chỉ có ý nghĩa trong phòng, chống Covid-19, mà còn giúp Việt Nam chủ động ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh khác trong tương lai.
Điều này cho thấy, WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vắc-xin quy mô lớn với chất lượng cao; đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp nhận hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển, sản xuất thành công vắc-xin mRNA phòng Covid-19 và các loại vắc-xin khác.
Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế cũng đang tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc-xin Hib cộng hợp, thương hàn vi cộng hợp, vắc-xin phối hợp, vắc-xin sốt xuất huyết, vắc-xin dại trên tế bào vero, thương hàn vi, kháng huyết thanh kháng dại.
Trước đó, một loạt dự án chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin được ký kết hợp tác cũng mở ra nhiều cơ hội đảm bảo nguồn cung vắc-xin trong nước phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam sau quá trình hợp tác chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, Arcturus Therapeutics (Mỹ) - đơn vị nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA - đã cấp giấy phép độc quyền cho Công ty cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare (thành viên của Vingroup) và doanh nghiệp Việt đang tiến hành sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154.
Ngoài ra, Công ty Shionogi (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 với 2 công ty của Việt Nam là Vabiotech và Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC).
Kỳ vọng vào công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam
Tự hào khi nhận được sự tin tưởng của WHO, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vắc-xin nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin quốc gia của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận.
Người đứng đầu ngành y tế tin tưởng rằng, khi tham gia sáng kiến này, Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin mRNA trên quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin.
Thị trường vắc-xin tại nước ta được dự báo là một thị trường lớn, có tốc độ phát triển cao trong những năm tới, vì Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm, nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm rất cao và phức tạp. Đó còn chưa kể, nhiều dịch bệnh cũ tái phát và xuất hiện liên tục, kéo dài trong nhiều năm như sốt xuất huyết, rubella, thủy đậu, cúm mùa. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em như tiêu chảy do virus rota, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não mủ do Hib còn khá cao.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vắc-xin là vũ khí hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm. Do vậy, việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước giúp phòng và điều trị bệnh ở người, phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu là một nhiệm vụ cấp thiết.
Xác định được tầm quan trọng của vắc-xin, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm quốc gia “nghiên cứu sản xuất vắc-xin sử dụng cho người đến năm 2030”.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra về vắc-xin, theo chuyên gia, cần triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép sử dụng và sản xuất vắc-xin trong nước; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin; nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc-xin và giải mã, làm chủ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Đồng thời, cần tăng hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin với chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài nước có uy tín; hình thành các nhóm nghiên cứu đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ phục vụ mục tiêu sản xuất vắc-xin; ưu tiên đầu tư mua quyền sở hữu, quyền sử dụng và bí quyết công nghệ; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm vắc-xin.
Cùng với đó, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường vắc-xin. Đặc biệt, thực hiện cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển, sử dụng vắc-xin sản xuất trong nước. Các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cần được hưởng chính sách ưu đãi...
Đối với vắc-xin phòng chống đại dịch, cần có cơ chế hỗ trợ tối đa 100% kinh phí dành cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thử nghiệm, mua bảo hiểm và hỗ trợ kinh phí cho người tình nguyện. Các vắc-xin đã được phê duyệt trong Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 nên được tiếp tục xem xét hỗ trợ trong chương trình này.