Theo kết quả điều tra có đến 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN, 60% cho rằng AEC không ảnh hưởng đến họ và số doanh nghiệp quan tâm AEC còn thua Lào, Campuchia |
Đó là ý kiến của ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa được tổ chức, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Theo ông Võ Đại Lược, mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam thuộc loại nhất trên thế giới nhưng khi hội nhập sâu, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam không theo kịp.
“Chúng ta quá chú trọng về hội nhập ký kết, còn đổi mới bên trong thì chậm trễ. Hiện nay mới chỉ giảm cải cách thủ tục hải quan, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ quan trọng hơn là đổi mới thế chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu”, ông Lược nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập chênh vênh giống như đi trên chiếc cầu khỉ, trên lưng là khối đá gánh nặng chi phí. Doanh nghiệp dò dẫm chỉ lo để khỏi trượt chân xuống sông chứ không thể vươn xa.
Theo ông, vấn đề nền tảng là ở Nhà nước, Nhà nước có hội nhập hay không và thay đổi bên trong như thế nào mới là quan trọng. Những năm qua, nhà nước đã thu hẹp chức năng, nhiệm vụ nhưng ở nhiều nơi vẫn giữ tư duy quản lý đứng bề trên doanh nghiệp. Nghĩa là tư duy kiểm soát, đặt ra một bộ máy "nghiện" quản lý chứ không phải đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, vì thế mới cản trở hội nhập.
Vì thế theo ông Cung, để hội nhập thành công thì công cụ quản lý, tư duy quản lý của nhà nước phải thay đổi.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, Việt Nam hội nhập nhanh nhưng những cải cách bên trong chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra.
“Chúng ta không thua một nước nào trong ASEAN về tốc độ đàm phán FTA. Từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã đàm phán 6 Hiệp định, không nước nào có FTA nhanh như vậy. Hầu hết các hiệp định này đều đòi hỏi mức độ hội nhập rất cao nhưng trong nước chúng ta chưa chuẩn bị đồng bộ”, ông Tuyển nói.
Cụ thể, ông Tuyển chỉ ra: kết quả điều tra có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN, 60% cho rằng AEC không ảnh hưởng đến họ và số doanh nghiệp quan tâm AEC còn thua Lào, Campuchia. Thậm chí quan chức cũng không nhận thức đủ về sự kiện này.
“Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa không hề làm giảm vai trò của Nhà nước. Nhà nước phải thay đổi chức năng từ Nhà nước chỉ huy sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Nếu không làm được điều này, nguy cơ tụt hậu còn xa hơn”, ông nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cũng đặt ra một loạt câu hỏi: “Chúng ta có hội nhập nhanh, nhiều quá, hăng quá hay không? Có rơi vào bẫy tự do thương mại hay không? Những gì chúng ta đạt được vừa rồi, có cả phúc và hoạ như thế nào…”
Theo ông, cũng giống như khi gia nhập WTO, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hành động nhưng thực tế vẫn không theo kịp. Để hội nhập, mở cửa thành công thì phải đổi mới từ bên trong. Nếu không Việt Nam sẽ dễ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại.
“Đổi mới bên trong là phải cải cách thể chế. Tác động hội nhập buộc chúng ta phải cải cách thể chế nhưng nếu bộ máy, con người không cải cách, thì có sửa 100 luật cũng không thể thay đổi được”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng cho rằng Việt Nam hội nhập đang có vấn đề.
“Chúng ta lo đàm phán nhưng không lo chuẩn bị. Người đàm phán cứ đàm phán còn những người ở nhà thì không chuẩn bị, không có ý thức chuẩn bị”, TS.Trần Đình Thiên nói.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên, việc gia nhập WTO là bài học lớn. Khi đó Việt Nam năng lực thị trường không có, cạnh tranh không nên cơ hội đã biến thành thách thức. Một trong những biểu hiện là Việt Nam đã không đỡ được dòng tiền chảy vào thị trường quá nhiều nên xảy ra lạm phát.
Do đó theo Viện trưởng, bài học vô cùng quan trọng là lần này chuẩn bị cho hội nhập nhiều hay ít, hội nhập như thế nào. Đặc biệt khi Việt Nam đang ký FTA quá nhiều, hội nhập với những cấu trúc, cam kết ở trình độ cao như với TPP, EU. Triển vọng gặt hái được cơ hội là vô cùng thấp.
“Sự chuẩn bị mọi phương diện còn rất khó khăn, trong khi thế giới chờ đợi hội nhập như thế. Chúng ta nên trả lời nghiêm túc”, TS. Trần Đình Thiên bày tỏ.