Tiêu dùng
Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh trong cửa hàng tiện lợi
Thị Hồng - 28/05/2019 21:45
Doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại gần 73.000 cửa hàng tiện lợi trong khu vực Đông Nam Á đạt tăng trưởng đạt mức 8,3% trong năm 2018. Trong đó, tại Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất khu vực (với 17%) và Việt Nam đứng thứ 2 khi tăng 13%.

Cụ thể, số lượng cửa hàng dạng nhỏ tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây, với gần 73.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn khu vực vào năm 2018. Con số này được dự báo tăng 10% mỗi năm. Cùng với đó, số lượng cửa hàng mini (mini-mart) ở khu vực là gần 50.000 cửa hàng, tăng trưởng 4,7% hàng năm.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các kênh tiện lợi và cửa hàng mini ở khu vực Đông Nam Á đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng vài năm gần đây, sự tăng trưởng này đã đạt mức kỷ lục. Ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Nielsen đánh giá, nhịp sống nhanh của người tiêu dùng trên toàn khu vực dẫn đến nhu cầu ngày càng cao dành cho các dịch vụ “lấy và đi”. Từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của các kênh cửa hàng tiện lợi và cửa hàng mini.

.


Các tín hiệu kinh tế lạc quan và niềm tin người tiêu dùng tăng cao được đánh giá đã thúc đẩy người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu, kéo theo tăng trưởng mạnh mẽ chung của ngành FMCG. 

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dịch chuyển bởi nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và xu hướng mua sắm thường xuyên, nhiều lần để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Điều này góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng thuộc 1.812 cửa hàng mini toàn quốc (tăng 45,5% so với năm 2017).

Tại Philippines ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực trong năm qua (tăng 8,7%), tiếp theo là Việt Nam (5,2%) và Myanmar (4,7%). Trong khi đó, tăng trưởng hàng năm của FMCG toàn cầu chỉ tương đương 3,4%.

“Sự kết hợp giữa sự lạc quan của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế khá tốt đẹp ở Đông Nam Á dẫn đến việc khu vực này đang thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu cũng như các công ty trong khu vực khi họ tìm kiếm cơ hội phát triển”, ông Vaughan Ryan nói và lưu ý, sự tăng trưởng này khó có thể nắm bắt được nếu các công ty không dành thời gian tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng tại nước sở tại.

Bởi, với sự thâm nhập ngày càng cao của internet và cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ khác nhau, người tiêu dùng khu vực đang trở nên hiểu biết và sáng suốt hơn trong các quyết định mua hàng của mình. Đưa ra các các dịch vụ phù hợp với thị hiếu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng địa phương là tối quan trọng để các công ty có thể thành công.

Indonesia hiện có số lượng cửa hàng mini lớn nhất trong khu vực (43.826 cửa hàng), và đang tăng trưởng 3,2% hàng năm.

Tại Malaysia, trong khi các đại siêu thị vẫn giữ được lượng khách hàng đáng kể (61% vào năm 2018) và có số lượng cửa hàng ổn định trong hai năm qua, số lượng các cửa hàng mini tăng trưởng 7% từ năm 2016 đến 2018, đạt 1,386 cửa hàng, đóng góp 43% doanh số bán lẻ FMCG . Cửa hàng tiện lợi và tiệm thuốc cũng tăng 3% trong cùng thời kỳ.

Philippines với dân số tầng lớp trung lưu đang gia tăng theo sự phát triển của số lượng người lao động ngoại quốc. Nhịp sống của đối tượng người tiêu dùng này ngày càng tăng, và họ tìm kiếm các cửa hàng gần nhà để đáp ứng nhu cầu mua sắm. Điều này đang thúc đẩy sự tăng trưởng của các siêu thị dạng nhỏ, cửa hàng mini và cửa hàng tiện lợi.

Trong khi đó, tại Thái Lan, kênh cửa hàng tiện lợi chiếm 58,3% thị phần trong năm 2018 (tăng 5,5% kể từ năm 2016) với hơn một phần tư người tiêu dùng (29%) cho biết họ ghé thăm cửa hàng tiện lợi từ hai đến ba lần một tuần.

Và ở Singapore, người tiêu dùng đang tìm kiếm tiện lợi từ các nhà bán lẻ FMCG dưới hình thức mua sắm trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. Ba trong số năm người tiêu dùng Singapore (60%) sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt và phần lớn người tiêu dùng (75%) cho biết họ ưa chuộng mua thực phẩm và đồ tạp hóa trực tuyến.

Tin liên quan
Tin khác