Đầu tư
Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư EU không phải chỉ vì EVFTA
Bích Ngọc - 01/11/2020 15:46
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA là một nhân tố quan trọng, song không phải là duy nhất khiến nhà đầu tư EU quan tâm đến Việt Nam.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có tác động thế nào đến các nhà đầu tư? Yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư EU vào Việt Nam, thưa ông?

Phải nói rằng, EVFTA tác động đến tất cả mọi mặt của nền kinh tế nói chung. EU là nền kinh tế trị rất lớn, do đó, ngay cả thời kỳ hậu Brexit thì EU vẫn là thị trường khổng lồ, với 27 quốc gia thành viên. Nhiều quốc gia đang xếp hàng để ký hiệp định thương mại với EU.

Trong ASEAN, hiện chỉ có 2 quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, đó là Singapore và Việt Nam. Singapore đóng vai trò là trung tâm tài chính của khu vực và không có nhiều hoạt động sản xuất, nên đây chính là thời cơ cho Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế thúc đẩy sản xuất, nên đang thu hút dòng vốn dịch chuyển lớn trên thế giới.

Với EVFTA, tôi cho rằng, sẽ có thêm nhiều nguồn đầu tư công nghệ cao được đưa vào Việt Nam trong thời gian tới.

Doanh nghiệp EU quan tâm nhất đến những vấn đề gì khi đầu tư vào Việt Nam?

Thời gian qua, tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại, nhiều yêu cầu tư vấn, cũng như tiếp nhiều đoàn doanh nhân từ châu Âu để hỏi về đầu tư vào Việt Nam. Nhiều cuộc họp trực tuyến đã được các nhà đầu tư thực hiện và sẽ có nhiều hợp đồng được chính thức ký kết bằng văn bản trong năm 2021.

Tất các các khoản đầu tư từ EU đều có chất lượng cao, không tận dụng công nhân giá rẻ. Nhiều công ty EU đang đầu tư vào Việt Nam dưới dạng mua bán - sáp nhập (M&A) và liên doanh. Đặc biệt, có khoảng 6 tỷ euro từ EU đang chờ để được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới tại Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu quan tâm đến năng lượng và sản xuất nhiên liệu xanh.

Theo tôi được biết, có một dự án về xây dựng hạ tầng lớn đang chuẩn bị được hình thành tại Việt Nam. Danh sách các công ty lớn từ châu Âu đầu tư vào Việt Nam đều thuộc các ngành công nghệ mới, hạ tầng và thân thiện môi trường.

Các vấn đề phía doanh nghiệp EU quan tâm nhất không phải là chi phí, thuế khóa, mà chính là pháp luật lao động, các công nghệ đang được sử dụng tại Việt Nam có thân thiện với môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững hay không.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang EU cần phải đáp ứng được yêu cầu trên. Các tiêu chuẩn khác là các yêu cầu về hạn ngạch, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là bình đẳng giới.

Chính phủ Việt Nam đang có nỗ lực rất lớn trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp và ngày càng cởi mở hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài còn có thể đề xuất và được làm việc trực tiếp với Chính phủ. EuroCham đánh giá cao điều này và thực tế, ít quốc gia làm được như Việt Nam.

Điều gì hấp dẫn doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư EU không phải chỉ vì EVFTA. Phải thừa nhận rằng, EVFTA là một nhân tố quan trọng, song nó không phải là nhân tố duy nhất. EVFTA đã khiến EU thêm hiểu và thêm quan tâm đến thị trường Việt Nam. Bởi vì, doanh nghiệp EU không chỉ đến thị trường Việt Nam vì EVFTA, mà họ đến Việt Nam vì sức hấp dẫn của chính đất nước này. Việt Nam, với quá trình Đổi mới tích cực, đang nổi lên như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hơn thế nữa, Việt Nam, với vị trí địa chính trị chiến lược, sẽ là bàn đạp để các công ty đa quốc gia thâm nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ đó tiến sâu hơn vào thị trường châu Á đầy tiềm năng.

Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp EU?

Việt Nam đã và đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã và đang chú trọng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa và tôi thấy định hướng này là rất thỏa đáng. Doanh nghiệp tư nhân ngày càng có tiếng nói, có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế hiện nay.

Vấn đề còn lại là cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng như đường sá, cầu cống, sân bay, cảng… Đây là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp Việt Nam có thể thu hút được các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với việc đầu tư nhiều hơn và bài bản hơn cho hệ thống trường dạy nghề để nguồn nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác