Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 FTA với các đối tác kinh tế trên toàn cầu. |
Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó: 15 FTA đã có hiệu lực; 1 FTA đã kết thúc đàm phán, chờ ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, với 19 FTA này, Việt Nam là là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Vương quốc Anh, Nga...
Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Cùng đó là lượng hàng hóa được ưu đãi thuế quan theo các cam kết trong các FTA ngày càng tăng lên.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 233 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi này là tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 33,61% cùng với tốc độ tăng trưởng 13,18% cho thấy doanh nghiệp và
hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần phục hồi tại các thị trường có FTA sau 02 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O (C/O mẫu EUR.1 và EUR.1 UK có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 25,89% và 23,54%, C/O EAV có tỷ lệ sử dụng 59,44%, C/O mẫu AANZ 39,28%); theo thị trường xuất khẩu (Hàn Quốc 51,02%, Trung Quốc 29,57%, Canada và Mexico lần lượt đạt 13,67% và 30,7%).
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 33,61% không có nghĩa là 66,39% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao.
Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông đã là 0% nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%.
Hệ thống FTA đang thực thi đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa, tạo lực đẩy giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2033 đạt hơn 730 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 12,4 tỷ USD. Mục tiêu năm 2023, xuất khẩu sẽ chinh phục mốc 393 - 394 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Trong nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong các tháng tới, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA, tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi.