Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) |
Ông cho biết quan điểm của mình về làn sóng các công ty châu Âu mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong thời gian gần đây?
EVFTA góp phần tạo nên sức hấp dẫn đối với các công ty châu Âu. Là một trong 2 quốc gia Đông Nam Á ký hiệp định thương mại tự do với EU, Việt Nam mang lại cho các doanh nghiệp châu Âu lợi thế lớn trong khu vực.
Theo khảo sát Chỉ số Niềm tin kinh doanh mới nhất của EuroCham, khoảng 25% thành viên của chúng tôi đạt được lợi ích từ mức độ trung bình đến đáng kể từ hiệp định này, chủ yếu thông qua việc giảm hoặc loại bỏ thuế quan và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tác động được thể hiện rõ qua sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, từ 35 tỷ euro (38,1 tỷ USD) vào năm 2019, lên hơn 48 tỷ euro (52,8 tỷ USD) vào năm 2023.
Mặc dù vậy, những thay đổi chính sách gần đây ở Việt Nam cũng gây băn khoăn cho một số doanh nghiệp châu Âu. Các loại thuế mới và các rào cản kỹ thuật, tuy không vi phạm về mặt kỹ thuật của EVFTA, nhưng dường như chưa đồng nhất với tinh thần của chiến lược mở cửa thương mại mà Việt Nam đang thực hiện. Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn, khi nhiều thành viên của chúng tôi phải đối mặt với các yêu cầu tuân thủ phức tạp và thiếu sự công nhận về các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài EVFTA, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp châu Âu còn được thể hiện qua lực lượng lao động trẻ, đầy nhiệt huyết với hơn 50 triệu người, chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, khoảng 70% số lao động này chưa được đào tạo bài bản. Điều này tạo ra cả thách thức và cơ hội, đặc biệt đối với các công ty cần lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ cao.
Vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á cũng là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường châu Á quan trọng khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN. Điều này giúp việc quản lý chuỗi cung ứng dễ dàng hơn và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Việt Nam tập trung mạnh vào xây dựng hạ tầng là một lợi thế khác, với mức đầu tư 6% GDP, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 2,3% của ASEAN, khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Trên hết, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở Việt Nam là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cũng dự kiến tăng gấp đôi từ năm 2023 đến năm 2026. Điều này có nghĩa là một thị trường lớn hơn nhiều cho các sản phẩm và dịch vụ, mang lại tiềm năng to lớn cho các công ty để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng Việt Nam.
SIEMENS là nhà đầu tư đến từ châu Âu đang hoạt động khá hiệu quả tại Việt Nam |
Động lực thúc đẩy xu hướng sản xuất xanh ngày càng tăng ở Việt Nam là gì, thưa ông?
Nền sản xuất của Việt Nam đang trải qua sự thay đổi đáng kể theo hướng bền vững, được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính. Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường đang thúc đẩy các công ty áp dụng các hoạt động xanh hơn. Các nhà đầu tư cũng đang ưu ái những doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ về môi trường, cung cấp các ưu đãi tài chính để hoạt động bền vững.
Ngoài ra, các công ty châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang đi đầu trong việc triển khai những sáng kiến xanh nhờ sự chú trọng lâu dài của họ vào tính bền vững. Thỏa thuận xanh của EU, một bộ chính sách đầy tham vọng nhằm đạt được sự cân bằng về khí hậu ở châu Âu vào năm 2050, đang đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi này.
Để tiếp cận thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, đặt ra thách thức nhưng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng. Mặc dù việc tuân thủ có thể khiến nhà đầu tư phải thay đổi hoạt động, nhưng cuối cùng, nó dẫn đến tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu và giảm tác động đến môi trường.
Tuy nhiên, con đường hướng tới sản xuất xanh hơn không phải là không có trở ngại. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU do nguồn lực và kỹ thuật hạn chế. Việc giải quyết những thách thức này đòi hỏi nỗ lực hợp tác, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các đối tác khác trong việc đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ và toàn diện.
Để ứng phó với bối cảnh hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết hỗ trợ các hoạt động bền vững trong lĩnh vực sản xuất, ghi nhận những lợi ích tiềm tàng của việc giảm ô nhiễm, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Những thay đổi chính sách gần đây, bao gồm cả cơ chế mua bán điện trực tiếp, là các bằng chứng cho nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tính bền vững. Cơ chế cho phép doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ nhà cung cấp năng lượng tái tạo sẽ mở đường cho việc áp dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng của cơ chế này phụ thuộc vào quá trình thực thi, cần được đánh giá trong thời gian tới.
Thưa ông, doanh nghiệp EU đang phải đối mặt với những thách thức gì?
Mặc dù Chính phủ Việt Nam đang tích cực cải thiện các quy định, nhưng những thay đổi thường xuyên và việc triển khai không rõ ràng có thể tạo ra sự bất ổn cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch cho tương lai.
Thêm vào đó, còn nhiều vấn đề có thể làm tốt hơn nữa như cải thiện thủ tục hành chính bằng số hóa, đơn giản hóa quy trình phê duyệt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
EuroCham tích cực tham gia vào những cải tiến này, thông qua việc tham gia vào Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Hội đồng này cho phép chúng tôi trực tiếp nêu những quan ngại và làm việc với Chính phủ cũng như các bên khác để hợp lý hóa các quy trình, cải thiện dịch vụ công và tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả hơn. Mặc dù nhiều tiến bộ đã đạt được, nhưng những cải cách nhanh hơn là rất quan trọng để tiếp tục tăng trưởng kinh tế.
Một lĩnh vực quan trọng khác cần cải thiện là quy trình xin giấy phép lao động và thị thực cho người lao động nước ngoài. Mặc dù Nghị định 70/2023/NĐ-CP được đưa ra vào tháng 9/2023 đã đơn giản hóa các thủ tục này, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Do đó, theo cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi, chỉ có 3,3% thành viên EuroCham ghi nhận có những cải thiện, 50% thừa nhận một số tiến bộ và 25% cho rằng chưa có thay đổi nào đáng kể.
Quy trình này nếu không được thay đổi sẽ cản trở các nhà đầu tư lớn yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh doanh. Hợp lý hóa quy trình này là cần thiết để thu hút các chuyên gia có tay nghề cao từ nước ngoài vào chia sẻ kiến thức, công nghệ và giúp xây dựng năng lực trong nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.
Một thách thức khác đối với các công ty châu Âu là tuân thủ cùng một lúc cả Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU và Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam. Những quy định này rất phức tạp và thường yêu cầu các công ty phải đưa ra những dự đoán về việc tuân thủ, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn. Phạm vi rộng của các quy định này, bao gồm cả xử lý dữ liệu trực tuyến và ngoại tuyến, cũng như truyền tải dữ liệu xuyên biên giới, vẫn còn đang khá khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn.
Thêm vào đó, Nghị định 13/2023/NĐ-CP yêu cầu các công ty tiến hành đánh giá tác động đối với việc xử lý và truyền dữ liệu, nhưng lại có rất ít hướng dẫn từ chính quyền. Một cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi cho thấy, khoảng 25% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, họ không hiểu đầy đủ các yêu cầu của nghị định này, chỉ khoảng 33% cảm thấy tự tin vào khả năng tuân thủ của mình.
Khả năng bị phạt tiền và thậm chí bị thu hồi giấy phép vận hành trang web do chưa tuân thủ đúng, như được nêu trong Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính về an ninh mạng, càng làm tăng thêm mối lo ngại của các doanh nghiệp châu Âu.