Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Canada hiện có 133 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 4,92 tỷ USD tại Việt Nam. Con số này có vẻ vẫn thấp so với đầu tư từ các quốc gia khác vào Việt Nam. Quan điểm của Đại sứ ra sao?
Canada và Việt Nam là những đối tác ngày càng quan trọng của nhau. Việt Nam có vị trí đặc biệt, là nước thuộc diện ưu tiên trong Chiến lược Giáo dục quốc tế, Kế hoạch Hành động thị trường toàn cầu và hợp tác phát triển của Canada.
Việt Nam đang trở thành đối tác thương mại lớn của Canada. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Canada coi Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng và cũng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm hơn đến thị trường tiềm năng Canada.
Năm 2014, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 3 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng. Chẳng hạn, quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Việt Nam tăng 180% và của Việt Nam sang Canada tăng 44%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi tự hào về quan hệ bền chặt giữa Canada và Việt Nam. Năm ngoái, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Baird và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký ý định thư nhằm mở rộng hợp tác và đối thoại trên các lĩnh vực chính trị, quan hệ ngoại giao, thương mại, kinh tế... Trên cương vị Đại sứ, văn bản này cho tôi lộ trình công tác phía trước và tôi tin chắc rằng, năm tới đây quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển.
Canada và Việt Nam là 2 trong số 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo Đại sứ, đâu là thách thức lớn nhất trong đàm phán giữa Việt Nam và Canada và hai nước có điểm gì chung trong TPP, ít nhất là tới thời điểm này?
TPP là một sáng kiến lịch sử và sẽ là một cơ chế hàng đầu về hội nhập kinh tế khu vực. TPP sẽ thiết lập các quy tắc “vàng” đối với việc hợp tác đầu tư và thương mại trong khu vực trong thời gian tới. Hiệp định này đem lại nhiều cơ hội chưa từng có cho việc hội nhập và củng cố các chuỗi cung ứng trong thị trường châu Á-Thái Bình Dương sôi động.
Canada hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác của TPP, trong đó có Việt Nam, nhằm đạt được một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao và đầy hoài bão, đem lại nhiều lợi ích hữu hình, tăng cường thịnh vượng kinh tế trong tất cả các nước thành viên TPP.
Hiện Canada cũng muốn đàm phán một hiệp định thương mại tự do với ASEAN. Nếu hiệp định này thành hiện thực, thì Việt Nam và Canada sẽ được hưởng lợi như thế nào về mặt thương mại và đầu tư? Chính phủ Canada đã chuẩn bị gì cho hiệp định này?
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada trong ASEAN. Trên thực tế, thương mại hai chiều Canada-Việt Nam hầu như là tăng trưởng cao nhất trong ASEAN trong giai đoạn đó.
Canada quan tâm đến cấu trúc kinh tế đang nổi lên trong khu vực. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các nỗ lực của Canada tập trung vào việc hoàn tất các sáng kiến thương mại toàn diện và đầy hoài bão.
Nhiều sinh viên Việt Nam đã chọn đi du học Canada. Đại sứ đánh giá thế nào về hợp tác giáo dục của hai nước trong thời gian tới?
Canada hiện là nơi du học phổ biến của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Năm ngoái, đã có hơn 4.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Canada. Giáo dục là dịch vụ xuất khẩu quan trọng nhất của Canada sang Việt Nam.
Giáo dục và tuổi trẻ tiếp tục là nền tảng quan trọng cho việc tăng cường hiểu biết giữa hai nước. Tôi mong muốn tăng gấp đôi lượng sinh viên Việt Nam học tập ở Canada và hy vọng Canada sẽ là điểm du học ưa chuộng của các bạn sinh viên Việt Nam trong thời gian tới.