Vừa qua, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Cùng với Nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng, dự án này đã đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động phát triển “năng lượng sạch” của GE Việt Nam, thưa bà?
Đây là một trong những dự án tiêu biểu của GE trong lĩnh vực năng lượng xanh tại Việt Nam. Thành công trong giai đoạn I của Dự án đã thể hiện cam kết của GE trong việc hỗ trợ khách hàng, nhằm đóng góp cho sự thành công của những dự án có giá trị bền vững với địa phương.
| ||
Bà Nguyễn My Lan, Tổng giám đốc điều hành GE Việt Nam |
Thành công của giai đoạn 1 đã mở ra cơ hội cho giai đoạn 2. Và chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực hỗ trợ khách hàng.
Bà từng chia sẻ rằng, GE luôn mong muốn hỗ trợ các khách hàng một cách tối đa nhất. Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có phải là một trong những minh chứng cho cam kết này?
Đúng vậy. Ngoài thiết bị và kỹ thuật tiên tiến, khả năng tài chính vững mạnh cũng là điều kiện cần thiết khi đầu tư vào một dự án điện gió. Thông thường, nhà đầu tư điện gió sẽ mất trung bình khoảng 10 năm mới hòa vốn.
Do đó, GE sẵn sàng hỗ trợ đối tác tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài mà chúng tôi đã có quan hệ tốt, như US Eximbank.
Chiến lược đầu tư của chúng tôi luôn tập trung vào vấn đề nội địa hóa, trong đó, GE ưu tiên hợp tác với các đối tác trong nước, cam kết hỗ trợ nâng cao năng lực và mở rộng quy mô của các đối tác để họ có thể cùng GE phát triển.
GE đã công bố đầu tư thêm 60 triệu USD vào nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng để mở rộng danh mục sản xuất và hướng tới sản xuất thêm các thiết bị y tế. Vậy đến thời điểm này, GE đã hoàn thành kế hoạch này chưa?
Kể từ khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng vào năm 2010, với số vốn ban đầu 60 triệu USD, đến nay, tổng vốn đầu tư của chúng tôi đã tăng lên tới 100 triệu USD.
Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch triển khai đầu tư mở rộng nhà máy Hải Phòng giai đoạn II, dự kiến tiếp tục mở rộng danh mục sản xuất các linh kiện cho tua-bin gió và một số danh mục mới khác trong ngành dầu khí.
Theo biên bản ghi nhớ với Bộ Y tế được ký tháng 8/2012, GE sẽ cùng Bộ Y tế hợp tác nghiên cứu nhu cầu thị trường và tập trung vào công tác đào tạo các cán bộ y tế, trước khi quyết định sản xuất các thiết bị y tế phục vụ nhu cầu của Việt Nam.
Bên cạnh thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch, bà có thể chia sẻ những hoạt động nổi bật của GE trong các lĩnh vực kinh doanh khác?
GE cam kết trở thành một đối tác lâu dài cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, không chỉ trong 20 năm mà còn nhiều hơn thế. GE đã tạo ra hơn 500 công ăn, việc làm tại Việt Nam, hỗ trợ các đối tác trong nước phát triển, mang đến những công nghệ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, GE còn đạt được những thành công trong lĩnh vực y tế. Trong đó, với cam kết sáng tạo vì y tế, GE Healthcare mang đến Việt Nam những giải pháp công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nâng cao năng lực của các bác sỹ, với mục tiêu giúp giải quyết 3 vấn đề thách thức của ngành y tế là giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế. Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất thiết bị y tế phù hợp với nhu cầu người Việt Nam tại nhà máy Hải Phòng.
Bảo Trâm