Đây là bước khởi đầu cho kế hoạch xuất khẩu xe Mazda từ Việt Nam sang thị trường sử dụng tay lái bên trái thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar. Dự kiến trong năm 2013 này, VinaMazda sẽ xuất khẩu 300 xe và lên đến 3.000 xe vào năm 2014. Đến năm 2020, lượng xe xuất khẩu dự kiến là 15.000 xe.
| ||
Nửa tháng trước thời điểm xuất khẩu này, tại văn phòng chính của Mazda Motor ở Nhật Bản, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã cùng ông Seita Kanai, Phó chủ tịch Mazda Motor ký hợp đồng để Công ty VinaMazda (thành viên của Thaco) xuất khẩu xe từ Việt Nam sang Lào.
VinaMazda vào tháng 3/2011 đã được bổ nhiệm là nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền sản phẩm xe Mazda tại Việt Nam.
Nhà máy VinaMazda được xây dựng tại Chu Lai và nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Mazda để sản xuất, lắp ráp 3 mẫu xe Mazda 2, Mazda 3, Mazda CX-5, đồng thời phát triển hệ thống phân phối gồm 20 showroom, đại lý trên toàn quốc. Đây là 1 trong số 15 nhà máy sản xuất và lắp ráp của Tập đoàn Mazda trên toàn thế giới.
Ông Seita Kanai nhận xét, khu vực ASEAN là thị trường quan trọng và mang tính chiến lược với tiềm năng rất lớn về tăng trưởng doanh số mà Mazda rất quan tâm. Tại đây, Việt Nam là thị trường then chốt với mật sộ dân số trẻ. Cuối năm ngoái, dòng xe CX-5 đã được lắp ráp tại Việt Nam và là thị trường toàn cầu đầu tiên. “Chúng tôi chọn Lào là thị trường xuất khẩu đầu tiên cho xe Mazda được sản xuất tại Việt Nam và sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng hoạt động xuất khẩu của VinaMazda, đón đầu lộ trình giảm thuế để hội nhập khu vực ASEAN năm 2018”, ông Seita Kanai nói.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, năm 2011, 2012 và cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng và thị trường suy giảm đáng kể nhưng nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ phía Tập đoàn Mazda qua việc đưa ra các sản phẩm mới, doanh số của Mazda tại thị trường Việt Nam tăng trưởng liên tục.
Các sản phẩm mới được VinaMazda giới thiệu thời gian qua như Mazda 6, CX-5, BT-50 theo ý tưởng thiết kế “Kodo” độc đáo và công nghệ động cơ Sky Activ tiết kiệm nhiên liệu được ưa chuộng đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Dự tính trong năm 2013, doanh số của xe Mazda đạt ít nhất 3.000 chiếc, chiếm 5,4% thị phần, xếp thứ 5 trong số các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam
Việc xuất khẩu ô tô nguyên chiếc từ Việt Nam sang các nước lân cận cùng với phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô cũng được xem là những hướng đi cần thiết để giải bài toán cân bằng ngoại tệ đối với ngành ô tô.
Theo dự báo của Bộ Công thương, với phương án trung bình, nhu cầu ô tô của Việt Nam vào năm 2025 là khoảng 800.000-900.000 xe và tới năm 2030 tăng lên 1,5-1,8 triệu xe. Nếu không có sản xuất xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trong nước và phụ thuộc nhập khẩu hoàn toàn; 50% xe tải và xe khách được nhập khẩu và 50% lượng xe còn lại sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu cho mặt hàng ô tô năm 2025 là 12 tỷ USD, còn tới năm 2030 là 21 tỷ USD.
Với phương án sản xuất trong nước tốt nhất, kim ngạch nhập khẩu năm 2025 về ô tô cũng là 5 tỷ USD và lên tới 9 tỷ USD vào năm 2030. Bởi vậy, việc đầu tư cho sản xuất tại Việt Nam và hướng ra xuất khẩu như Thaco đang làm với các sản phẩm của bản thân mình và của các thương hiệu quốc tế như Mazda, Kia rất được quan tâm.
Khu vực ASEAN đang được xem là một trong những trung tâm sản xuất ô tô chính của thế giới. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã đặt cơ sở sản xuất tại đây như GM, Ford, Toyota, Mitsubishi, Mazda, Isuzu, Honda, Nissan… Tuy nhiên trong khối ASEAN hiện cũng chỉ có 5 nước có lắp ráp, chế tạo ô tô là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Hiện cả 5 quốc gia này đều xác định công nghiệp ô tô là ngành quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế của mình.
Hoàng Nam