Thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững
Việt Nam dự kiến tăng nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Động thái này đang được thực hiện rốt ráo, nhằm thúc đẩy thương mại song phương hài hòa và bền vững.
Thông tin về chính sách thương mại của Mỹ thời gian tới, Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff cho hay: “Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp hai nước nâng tầm giao thương và đầu tư song phương, đồng thời phối hợp với chính phủ tháo gỡ các rào cản và thách thức”.
Bất chấp những ảnh hưởng bất lợi của thương mại toàn cầu, xung đột địa - chính trị, thương mại Việt - Mỹ vẫn đang trên đà tăng tốc. Trong 11 tháng năm 2024, thương mại 2 chiều đạt 122,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ gần 109 tỷ USD, tăng trên 26% và nhập từ Mỹ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt
Hợp tác trong nhiều lĩnh vực, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi là cam kết và mong mỏi của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: “Hướng tới thương mại song phương hài hòa, bền vững, Việt Nam có kế hoạch mua thêm các sản phẩm từ Mỹ, bao gồm máy bay, khí hóa lỏng (LNG), trang thiết bị an ninh, chip trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Việc tăng nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp là có cơ sở, khi nhóm năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường đang có dư địa lớn, bởi Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong các dự án chuyển đổi năng lượng, cũng như các tập đoàn Mỹ đang gia tăng đầu tư vốn vào năng lượng sạch tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn Hợp tác Việt - Mỹ năm 2024 do Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, bà Anne Benjaminson, quyền Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhấn mạnh: “Chúng tôi đang song hành cùng Việt Nam cải thiện năng lực quy hoạch và vận hành năng lượng, khuyến khích và huy động đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng sạch tiềm năng và tài trợ cho các nghiên cứu khả thi để phát triển cơ sở hạ tầng điện thiết yếu, cũng như giới thiệu các công nghệ tiên tiến và tiên phong như hệ thống pin lưu trữ năng lượng”.
Phái đoàn Mỹ đang cùng hợp tác để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam. Song song đó, Mỹ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực thương mại số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể bán sản phẩm trực tuyến và tiếp cận các thị trường mới.
Minh chứng cho việc hợp tác này là Biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Công thương Việt Nam nhằm thực hiện một chương trình trị giá 3,2 triệu USD tập trung vào đẩy mạnh hoạt động thương mại số.
Trong khi đó, nông nghiệp cũng là lĩnh vực có triển vọng hợp tác hiệu quả. Mỹ hiện cung cấp một lượng lớn nông sản cho Việt Nam. Đơn cử, ngành hàng rau quả đã chứng kiến sự tăng tốc nhập khẩu nhanh chóng. Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam nhập rau quả từ Mỹ trị giá gần 336 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm ngoái, Mỹ xuất khẩu 3,1 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp sang Việt Nam, trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 3 đối với các mặt hàng này.
Lo gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại
Quan hệ Việt - Mỹ là minh chứng cho sự bền bỉ, thể hiện qua các con số về đầu tư, thương mại và quan hệ ngoại giao đang ở thời điểm tốt đẹp nhất - quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, đẩy mạnh thương mại, đầu tư là trọng tâm quan hệ song phương, 2 nước đang có những điều kiện rất thuận lợi để mở rộng hợp tác trong dài hạn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng lo ngại khi các vụ việc phòng vệ thương mại của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dẫu tăng trưởng, nhưng cũng gặp không ít rào cản. Sự gia tăng về xuất khẩu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thép, dệt may và thủy sản, đã kích hoạt nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hay điều tra chống lẩn tránh thuế…
Mỹ hiện là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tổng số vụ việc phòng vệ thương mại từ trước đến nay do Mỹ điều tra là hơn 70 vụ (chiếm 25% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam), với các mặt hàng chủ yếu là thép, gỗ, sợi, sản phẩm nông nghiệp gồm tôm, cá tra, mật ong.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Mỹ đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hàng chục vụ việc với hàng hóa Việt Nam, gồm pin năng lượng mặt trời, thép CORE, sợi, đĩa giấy, sợi... chưa kể hàng chục vụ rà soát hàng năm.
Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, Mỹ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, khiến mức thuế chống bán phá giá tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của ta.
“Những hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ và tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng tăng đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang làm khó cho thương mại. Thực tế này đặt ra yêu cầu với các doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này phải chủ động lưu trữ hồ sơ, sẵn sàng chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao.