Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital |
Vốn FDI đăng ký của Việt Nam trong năm 2023 đã đạt mức 36,6 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD là mức cao nhất trong 5 năm qua. Ông đánh giá thế nào về điều này, và có dự báo thế nào cho FDI năm 2024?
Trong năm 2023, số vốn FDI thực hiện của Việt Nam đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 23,2 tỷ USD. Mức tăng này có vẻ khiêm tốn nhưng con số này tương đương hơn 5% GDP của Việt Nam, tương đồng với tỷ lệ FDI/GDP của Trung Quốc ở thời điểm thị trường này đang rất hấp dẫn đối với các tập đoàn quốc tế.
Ngoài ra, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm khoảng 40% trong thời kỳ Covid-19 và chưa từng phục hồi lại mức trước Covid-19, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển. Còn dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam hiện đã trở lại mức trước Covid-19, cho thấy Việt Nam là một thị trường thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Tổng vốn FDI đăng ký cũng là một chỉ báo quan trọng cho dòng vốn FDI thực tế sẽ được giải ngân. Trong năm 2023, vốn FDI đăng ký của Việt Nam đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức 36,6 tỷ USD. Trong có tiêu biểu là các dự án như LG Innotek đầu tư nhà máy 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, JinKo Solar đầu tư nhà máy pin quang điện 1,5 tỷ USD, hay ECOVANCE đầu tư nhà máy vật liệu hữu cơ công nghệ cao 500 triệu USD. Các dự án FDI đăng ký năm 2023 có thể sẽ được giải ngân vào năm 2024. Do đó, chúng tôi tin rằng triển vọng Việt Nam thu hút FDI năm 2024 sẽ tiếp tục rất khả quan.
Theo ông, những lĩnh vực nào sẽ là điểm nóng thu hút vốn FDI trong năm 2024?
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chắc chắn sẽ hấp dẫn nhất trong bối cảnh rất nhiều tập đoàn quốc tế đang muốn chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Do đó, nhiều khả năng 80% vốn FDI của Việt Nam trong năm 2024 sẽ hướng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ví dụ nhà xưởng hoặc các dự án hỗ trợ như nhà máy phát điện, hạ tầng kho vận…
Một lý do khác khiến chúng tôi tin rằng lĩnh vực sản xuất sẽ thu hút phần lớn vốn FDI của Việt Nam là dựa vào “Mô hình Phát triển Đông Á” (EADM) mà các nền kinh tế phát triển châu Á đều áp dụng. Mô hình này chú trọng sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu (như điện thoại, đồ điện tử gia dụng, hay quần áo), nên đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của các nền kinh tế phát triển châu Á đều trên 30% khi đạt mức cao nhất.
Đóng góp của lĩnh vực sản xuất vào GDP của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn 25%, cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của lĩnh vực này. Mặt khác, Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao, qua nhiều thông tin được công bố trong năm nay. Ví dụ như việc Apple vừa thông báo sẽ đưa hoạt động thiết kế sản xuất iPad sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI cũng muốn hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ nội địa của Việt Nam khi tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Các tập đoàn Nhật Bản đang tiên phong trong lĩnh vực này, tiêu biểu như Aeon và các công ty hàng đầu khác. Chúng tôi cũng ghi nhận khá nhiều tập đoàn bất động sản Nhật Bản đang tìm cơ hội hợp tác với các đơn vị trong nước, như VinaCapital, để rót vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội và những trở ngại Việt Nam có thể gặp phải khi thu hút vốn FDI trong năm 2024?
Các tập đoàn đa quốc gia đều có tầm nhìn dài hạn khi đưa ra quyết định đầu tư vốn FDI, do đó chúng ta cần đánh giá cơ hội và trở ngại thu hút FDI của Việt Nam trong vòng 5 năm tới, thay vì chỉ là năm 2024.
Việt Nam có hai lợi thế khi thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất trong những tới là (1) nguồn lao động chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, và (2) Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. Có nghĩa là các tập đoàn xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không vướng phải rào cản thương mại của chính phủ Mỹ.
Nguồn lao động làm việc trong các nhà máy ở Việt Nam có chi phí chưa bằng một nửa so với ở Trung Quốc, nhưng lại có chất lượng tay nghề ngang ngửa, theo khảo sát của JETRO và các tổ chức khác. Ngoài ra, 40% lực lượng lao động của Việt Nam hiện vẫn thuộc lĩnh vực nông nghiệp vốn đóng góp khoảng 12% GDP, và hơn một nửa dân số Việt Nam dưới 35 tuổi. Điều này có nghĩa rằng Việt Nam còn một lượng lao động trẻ rất dồi dào có thể dịch chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp trong những năm tới.
Kế đến, một cơ hội rất lớn của Việt Nam là triển vọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, vốn được thảo luận rất nhiều thời gian qua bởi lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn hàng đầu từ Mỹ và Đài Loan, ví dụ như Nvidia. Một trở ngại lớn liên quan đến vấn đề này là Việt Nam hiện chưa đào tạo đủ lực lượng kỹ sư để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn quy mô lớn.
Một trở ngại khác là khả năng cung cấp nguồn điện ổn định của Việt Nam, trong bối cảnh miền Bắc vẫn ghi nhận tình trạng thiếu điện. Bên cạnh đó là những lo ngại về tác động của việc áp dụng “Thuế tối thiểu toàn cầu” (GMT) tại Việt Nam vào năm 2024 có thể ảnh hưởng đến sức hút FDI, bởi điều này có thể cản trở các cung cấp các ưu đãi thuế cho nhà đầu tư FDI.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng không cần quá lo lắng. Bởi vì Việt Nam và nhiều thị trường cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực đều sẽ đưa ra các giải pháp khác để hỗ trợ gánh năng tài chính này cho các nhà đầu tư FDI. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế cũng không phải là ưu tiên số một để các tập đoàn quốc tế cân nhắc khi quyết định rót vốn FDI, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác. Các nhà đầu tư này sẽ cân nhắc rất nhiều yếu tố, trong đó có chi phí và chất lượng nhân công, chất lượng hạ tầng, hay độ mở của môi trường kinh doanh…
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy dòng vốn FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo?
Có ba điều quan trọng Việt Nam cần thực hiện để gia tăng khả năng thu hút vốn FDI. Thứ nhất là tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạng tầng giao thông, kho vận. Thứ hai là cần tiếp tục nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư FDI phối hợp với cơ quan quản lý trong quá trình xin cấp phép đầu tư. Cuối cùng là Việt Nam cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nâng cao cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai.